"Tết lửa trại" của Bác Hồ
Tin tức - Ngày đăng : 19:41, 16/02/2018
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng chiến sĩ ở chiến khu Việt Bắc năm 1949
Hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo toàn dân, toàn quân bước vào giai đoạn 2 của cuộc kháng chiến chống Pháp, đề ra chủ trương thực hiện phương châm chiến lược mới là “Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công” với khẩu hiệu "Tất cả để chiến thắng”. Trong buổi bế mạc, Bác căn dặn các đại biểu phải thực hiện "phê bình và tự phê bình" để ngày càng đoàn kết, tiến bộ, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần đưa "Kháng chiến nhất định chóng thắng lợi. Kiến quốc nhất định chóng thành công”. Tết ấy, Bác Hồ "ăn Tết lửa trại" cùng chiến sĩ với những tình tiết thật xúc động.
Pháo Tết Bác Hồ
Trước Tết ít ngày, tại Phủ Chủ tịch ở bản Lũng Tấu, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), đồng chí Hồ Tùng Mậu, Tổng Thanh tra Chính phủ (được cử làm Trưởng Ban Tổ chức Tết Kỷ Sửu) chủ trì hội nghị cơ quan Văn phòng Trung ương chuẩn bị Tết. Rừng nứa bên bờ suối, sát ngay hội trường như cũng hòa chung không khí hân hoan của hội nghị.
Khi mọi người đang sôi nổi bàn các nội dung về trang trí, hái hoa dân chủ, văn nghệ, thể thao... thì Bác Hồ đến. Không đợi Ban tổ chức báo cáo, Bác hỏi ngay việc tổ chức vui Tết như thế nào. Ông Mậu thưa với Bác là hội nghị còn đang bàn, sẽ báo cáo lại với Bác. Bác liền hỏi: "Thế đã bàn đến mục pháo chưa?".
Mọi người thực sự bất ngờ trước câu hỏi của Bác. Bởi trước đó ai cũng nghĩ rằng Tết kháng chiến phải tiết kiệm, vả lại đang ở trong rừng... Một số anh em xôn xao "lấy pháo ở đâu bây giờ?". Trưởng Ban Tổ chức Tết ái ngại xin ý kiến Bác: "Thưa Bác, rừng núi thế này kiếm đâu ra pháo được ạ?". Bác cười, chỉ tay ra rừng nứa bảo: "Pháo ở rừng đấy chứ đâu!".
Mọi người nhìn theo hướng tay Bác chỉ và hiểu ra rằng, ống nứa kín đốt trong lửa thì sẽ phát tiếng nổ, đấy là pháo... Bác còn góp ý nhiều hình thức vui Tết khác nữa để hội nghị bàn rồi mới ra về.
Sau đó đồng chí Hồ Tùng Mậu tổ chức anh em đi chặt nứa, cắt thành từng đoạn có độ dài từ 3 - 5 gióng, bó lại, chú ý không làm dập ống nứa rồi xếp thành đống ở sân cho khô dần. Hằng ngày, nhìn đống nứa, mọi người mong cho nhanh đến ngày Tết, trong lòng thắc thỏm, nghĩ rằng chắc là phải đến mùng hai, mùng ba Tết Bác mới có thời gian thăm cơ quan...
Nhưng đúng giao thừa Bác đến, trên vai đeo một cái bị. Cả cơ quan ùa ra đón Bác, tranh nhau nói lời chúc Tết Bác. Bác chỉ một chỗ thuận tiện bảo anh em xếp nứa để đốt lửa rồi nói: "Tết này, Bác ăn Tết lửa trại với các chú".
Lửa bốc lên, reo bập bùng. Tiếng nứa nổ lốp bốp tiếp nhau, rất vui tai. Ai đó reo lên: "Pháo Tết Bác Hồ!". Âm thanh giữa phút giao hòa âm dương trời đất nơi "Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" - thứ pháo thực vật, rất thiên nhiên, rất gần gũi, gợi trong tiềm thức mỗi người tiếng đốt cỏ làm rẫy cùng đồng bào tăng gia ủng hộ kháng chiến và cả tiếng đập pháo đất trò chơi hồi ấu thơ nơi làng quê.
Giữa thiêng liêng tình cảm cách mạng trong khung cảnh và thời khắc đặc biệt ấy, Bác mở cái bị và nói: "Đây là quà Tết đồng bào tặng Bác. Bác biếu các chú!". Rồi Bác đưa tận tay từng cán bộ, chiến sĩ mỗi người một quả cam. Mọi người vui sướng ca hát, cầm tay nhau nhảy quanh ngọn lửa ấm cúng tình cảm gia đình cách mạng...
"Thắng" ngay từ đầu năm mới
Cùng vui giao thừa xong, Bác nghỉ lại cơ quan. Sáng hôm sau, Văn phòng Trung ương tổ chức chúc Tết Bác. Sau khi nói lời cảm ơn, Bác bảo mọi người ngồi lại nghe Bác kể chuyện tình hình thế giới, tình hình trong nước. Bác cho biết quân ta vừa thắng địch ở Ba Thá, Tế Tiêu, ở Ý Yên - những vùng ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng, ta đánh đoàn tàu gần 20 toa xe, phục kích phá hủy nhiều xe tải, diệt hàng trăm tên địch... Bác khuyên mọi người thi đua làm tròn nhiệm vụ ở hậu phương để xứng đáng với tiền tuyến.
Khi nắng xuân vừa xua tan màn sương giá lạnh, Bác nhắc Ban tổ chức chuyển sang mục bóng chuyền. Cơ quan chia thành 2 đội thi đấu. Bác đề nghị để Bác làm trọng tài và tuyên bố đội nào thắng sẽ được trọng tài chính thưởng mỗi người một điếu thuốc lá thơm. Các cầu thủ và cả cổ động viên nhảy lên, hoan hô ầm ĩ. Trận đấu diễn ra sôi nổi. Đội nào cũng muốn thắng để được phần thưởng của Bác.
Trận đấu kết thúc. Đội thắng hãnh diện xếp hàng ngay ngắn, thưa với Bác: "Chúng cháu thắng ạ!". Bên thua miễn cưỡng tý tẹo rồi cũng hò nhau nhảy ra xếp hàng, cử người báo cáo: "Thưa Bác, chúng cháu cũng... thắng một séc ạ!". Cổ động viên thấy thế, chẳng ai bảo ai, cùng nhào vào xếp hàng chung, tranh nhau nói: "Chúng cháu cũng thắng ạ! Chúng cháu cổ vũ đội thắng...!". Trước sự tinh nghịch rất đáng yêu của chiến sĩ, Bác cười, gật gật đầu rồi nói: "Đúng! Năm nay là năm đại thắng lợi, không ai được phép thua cả". Nói xong, Người mở hộp thuốc lá thưởng cho mỗi người một điếu. Ai nấy đều hớn hở. Riêng đồng chí cảnh vệ thì lẩm bẩm một mình vì tiêu chuẩn thuốc lá cả ngày của "Ông cụ" chỉ có một bao, giờ thế là hết sạch. Như biết ý đồng chí cảnh vệ, trên đường về, Bác cứ khen mãi là anh em "thông minh".
Từ Tết Kỷ Sửu 1949 đến nay, gần 70 cái Tết đã trôi qua với biết bao kỷ niệm trong đời người chiến sĩ Việt Nam: Tết ăn gió nằm sương chờ diệt giặc; Tết huy hoàng chiến công vang dội khắp tiền phương; Tết thống nhất non sông liền một dải; "Tết tem phiếu" ăn bữa nay lo bữa sau, rồi đến những cái Tết tưng bừng thành tựu đổi mới, cái vui, cái đẹp nở rộ khắp chợ cùng quê... Song, mỗi lần Tết đến xuân về, chuyện Bác Hồ và những cái Tết ở chiến khu Việt Bắc luôn tươi mới giá trị tư tưởng và văn hóa, là tài sản tinh thần vô giá đối với chúng ta.
PHẠM XƯỞNG