Ký ức không phai

Chính trị - Ngày đăng : 07:00, 17/02/2018

Xuân này tròn 50 năm kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 nổ ra nhưng ký ức về những trận đánh Tết Mậu Thân luôn là kỷ niệm khó quên.


Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất bị đạn súng lớn của quân ta phá hủy (tháng 2.1968). Ảnh tư liệu TTXGP

Tết trên chiến hào

Ông Lê Đình Thược ở thôn Văn Diệm, xã Hưng Thái (Ninh Giang) nhập ngũ năm 17 tuổi. Sau 6 tháng hành quân, ông được phân về Trung đoàn 14, thuộc Sư đoàn 7. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đơn vị của ông được phân công nhiệm vụ phục kích ở quốc lộ 13 thuộc huyện Tân Uyên (Bình Dương), ngăn chặn quân địch tiếp viện vào Sài Gòn. Trận đánh lớn mà ông được tham gia ấy diễn ra khoảng 10 ngày sau Tết Mậu Thân. Đơn vị ông giao chiến với một đơn vị thuộc Sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ, nổi tiếng thiện chiến được mệnh danh là Sư đoàn “Anh cả đỏ”. “Hôm ấy, đại đội của tôi phối hợp với 2 đơn vị khác phục kích ở đường 13. Khi tiếng súng của các đơn vị chốt chặn ở hai đầu đường vang lên, quân địch hỗn loạn, rơi vào thế gọng kìm. Chúng tôi được lệnh xông lên tiêu diệt địch. Có những lúc tôi chỉ đứng cách lính Mỹ hai, ba chục mét, cứ chĩa thẳng súng mà bắn chứ chả suy nghĩ được gì”, ông Thược nhớ lại.

Đối với ông Nguyễn Việt Điền ở đường Trương Mỹ (TP Hải Dương) từng là lính Tiểu đoàn Pháo binh 22, Sư đoàn 9 thì Tết Mậu Thân là một cái Tết không nghỉ. “Ngay từ ngày 29 Tết, tôi cùng đồng đội dàn trận địa pháo ở cánh đồng dưa tại khu vực Tân Sơn Nhì để phối hợp với bộ binh đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Quân ta tấn công, giao tranh quyết liệt với địch đến mùng 7 Tết thì địch phản kích. Do lực lượng mỏng nên bộ binh được lệnh rút về phía sau. Khoảng 9 giờ sáng, khi bộ binh rút lui qua trận địa pháo, đơn vị của tôi vẫn tiếp tục được lệnh giữ nguyên đội hình để yểm trợ”, ông Điền bồi hồi nhớ lại.

Cũng như ông Thược, ông Điền, ông Nguyễn Nam Đông ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) không thể nào quên Tết của 50 năm về trước. Ông Đông kể: “Năm đó, sau khi ăn Tết sớm, tôi cùng đồng đội tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 804 thuộc Thành đội Huế nhận được lệnh hành quân từ trên rừng xuống TP Huế. Đơn vị của tôi làm nhiệm vụ tấn công mở đường cho các đơn vị chủ lực tiến vào nội đô. Khi chúng tôi vừa vượt qua cầu An Cựu thì đại liên của địch rải đạn dọc đường. Một số vượt được qua cầu, một số đồng đội hy sinh khi chưa tiếp cận được mục tiêu. Không chùn bước, tôi cùng đồng đội xông lên bắn trả, vượt rào vào Sở Cảnh sát. Quân địch một số bị tiêu diệt, số còn lại bỏ chạy tán loạn. Đại đội chiếm giữ Sở Cảnh sát đến gần trưa thì địch cho quân và 2 xe tăng từ sân bay Phú Bài đến phản công. Do hỏa lực địch mạnh nên tôi và đồng đội phải rút sang một trường học bên đường”.

Nhớ đồng đội đã hy sinh

Những trận đánh trong dịp Tết Mậu Thân 1968 mãi không phai trong ký ức nhiều người lính, bởi với họ đó là những trận chiến ác liệt, cam go nhất. Họ chứng kiến những đồng đội anh dũng ngã xuống khi xuân vừa sang. Nhớ về người đồng đội đã hy sinh, ông Điền kể: “Trận đánh hôm mùng 7 Tết ấy, tôi ngồi trong công sự cùng đại úy Mai Công Ta, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Pháo binh 22 và ông Bát, quê ở Hà Bắc làm nhiệm vụ liên lạc. Khi chúng tôi đang ở bên trong thì cây xoài gần đấy trúng pháo của địch đổ rầm xuống che kín cả hầm. Lúc bộ binh đã rút hết về phía sau, nhận được lệnh rút, ông Ta dẫn hai chúng tôi ra khỏi hầm. Tôi lên sau cùng, chưa kịp ra ngoài thì nhìn thấy ông Bát ngã xuống vì trúng đạn của địch". Không gì đau xót hơn khi nhìn đồng đội ngã xuống trước mặt mình mà không làm gì được. Tết đến cũng là ngày giỗ của ông Bát và nhiều đồng đội của ông Điền.

Ông Thược sau chiến dịch Mậu Thân 1968 đã tham gia nhiều trận đánh khác, đi đến hết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Nhưng với ông, ký ức về Tết Mậu Thân 1968 không thể quên bởi trong những ngày đầu cuộc Tổng tấn công, ông đã mất đi một người bạn ở cùng xóm, cùng tòng quân trong một ngày. Giọng ông Thược chùng xuống: "Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống. Có trận, tôi cùng hai anh em khác tựa lưng vào nhau chiến đấu thì cả hai anh đều hy sinh”.

Nhiều đồng đội của ông Nguyễn Nam Đông cũng đã anh dũng hy sinh ngay trên bậc thềm trường học trong trận đánh Tết Mậu Thân năm ấy. Bản thân ông Đông bị đạn bắn trúng bả vai, nằm gục sau hàng lan can của trường. Sau đó, ông được đồng đội đưa lên rừng cứu chữa.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 diễn ra từ tháng 1 đến tháng 9.1968 trên hầu hết lãnh thổ phía Nam nước ta, từ vĩ tuyến 17 trở vào. Trò chuyện với chúng tôi, mỗi cựu chiến binh tham gia cuộc Tổng tấn công lịch sử này không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhắc đến những đồng đội của mình đã anh dũng ngã xuống 50 năm trước. Nhưng trên tất cả, họ đều tự hào khi được cống hiến cả tuổi thanh xuân, một phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

HOÀNG BIÊN