Những mùa xuân trăm tuổi
Xã hội - Ngày đăng : 11:00, 17/02/2018
Lễ mừng thọ các cụ là dịp để con cháu sum vầy, dành tặng các cụ những lời chúc, phần quà ý nghĩa. Ảnh: Mai Anh
Yêu lao động
Tết này, cụ Nguyễn Thị Hồi (sinh năm 1918) ở khu 6, thị trấn Thanh Hà vừa tròn trăm tuổi. Khi biết tin chúng tôi tới thăm, cụ chống gậy, dò từng bước ra phòng khách của gia đình để đón. Nhìn vóc dáng nhỏ bé của cụ, thật khó tưởng tượng làm thế nào để người phụ nữ ấy có thể vượt qua những quãng đời cơ cực trong suốt một thế kỷ qua.
Thời con trẻ, cụ Hồi từng là nhân viên nuôi giữ trẻ ở trường mầm non của xã. Sau hơn 15 năm công tác, cụ nghỉ và chỉ làm nông nghiệp tại địa phương. Rồi do sống một mình không người ruột thịt, cụ Hồi xin đi làm giúp việc cho các gia đình ngoài Hải Phòng. Năm 1993, thấy cụ Hồi đã có tuổi mà vẫn phải sống cảnh tha hương nên ông Nguyễn Đức Thành là cháu họ của cụ đã đón cụ về phụng dưỡng. “Dù đã cao tuổi nhưng cụ vẫn tự làm mọi việc, không bao giờ ỷ lại con cháu, bởi tính cụ không muốn phiền đến ai”, ông Thành nói nhỏ với chúng tôi.
Ở cùng thị trấn Thanh Hà nhưng bên khu 9, cụ Nguyễn Thị Nhung Tết này cũng tròn 100 tuổi. Cụ Nhung trước làm công nhân tại Nhà máy tơ Hải Phòng, sau đó được giác ngộ cách mạng. Cụ tình nguyện giúp việc cho cán bộ về hoạt động bí mật ở làng. Cụ xây dựng gia đình và sinh được 5 người con. Khi đang mang thai cô con gái út, cụ Nhung nhận được tin cụ ông hy sinh ngoài mặt trận. Thân gái một mình, con cái nhỏ dại, nheo nhóc, cụ Nhung nén đau thương, tập trung vào làm lụng nuôi các con ăn học thành người. “Mẹ tôi sống luôn vui vẻ, lạc quan nên cụ mới đủ nghị lực vượt qua khó khăn và sống khỏe như bây giờ”, ông Phạm Quang Đồng, người con trai thứ của cụ Nhung nói.
Xuân này, cụ Phạm Văn Mỹ ở thôn Mỹ Ân, xã Văn Tố (Tứ Kỳ) được con cháu tổ chức lễ mừng cụ 100 tuổi. Khi biết chúng tôi tới thăm, cụ chọn mặc bộ comple rất đẹp ngồi sẵn ngoài phòng khách chờ. Chúng tôi vừa bước vào nhà, cụ đã nhanh nhẹn đứng dậy đón khách. Nụ cười móm mém, cái bắt tay run run cũng đủ cho chúng tôi cảm nhận tình cảm cụ dành cho khách. Mỗi khi chúng tôi đặt câu hỏi về tình hình sức khỏe, thói quen sinh hoạt hằng ngày cụ đều kể rất rõ và không quên kèm theo nụ cười vui vẻ.
Cuộc sống vất vả từ bé với công việc đồng áng nặng nhọc lại chính là điều kiện giúp cụ Mỹ được rèn luyện sức khỏe. Sau này, dù con cái đã trưởng thành, cụ vẫn chăm chỉ lao động. Cụ Mỹ khoe với chúng tôi năm ngoái cụ còn trồng rau đủ cung cấp cho gia đình...
Con cháu sum vầy
Năm nay, Tết của gia đình cụ Nguyễn Thị Nhung hẳn sẽ to hơn mọi năm. Cụ sống cùng ông Đồng trong ngôi nhà nhỏ. Khi chúng tôi đến, các con trai gái, dâu rể của cụ tập trung khá đầy đủ. Họ đang bàn tính xem Tết này sẽ làm lễ mừng thượng thọ cho mẹ như thế nào. Trải qua một đời vất vả, đến nay, các con cháu cụ đều đã trưởng thành. Đó là một "liều thuốc bổ" giúp cụ thêm khỏe mạnh.
Với gia đình ông Đồng, cụ Nhung chính là nguồn cội, là chỗ dựa để quy tụ anh em, con cháu trong gia đình mỗi dịp Tết đến, xuân về. Dù các cháu có đi làm ăn xa, hay bận rộn với cuộc sống như thế nào thì đều dành thời gian về thăm bà, thăm cụ.
Không có được con cháu đề huề như cụ Nhung nhưng cụ Hồi cũng luôn cảm thấy ấm áp vì tấm lòng thơm thảo của những người cháu như ông Thành.
Mỗi khi nhắc tới các con cháu, ánh mắt đã mờ đục của cụ Mỹ lại sáng lên, những nếp nhăn dường như giãn ra để nhường chỗ cho sự mãn nguyện hiện lên trên khuôn mặt. Dù tuổi đã cao nhưng sáng nào cụ cũng dậy đi bộ thể dục quanh sân nhà, giúp con cháu quét dọn sân vườn, rồi cụ lại chống gậy sang nhà những người bạn già cùng ôn lại những kỷ niệm xưa cũ.
Với tinh thần "Kính lão đắc thọ", đã thành lệ từ nhiều năm nay, dịp đầu xuân năm mới cũng là dịp các làng, khu dân cư, các dòng họ, gia đình tổ chức lễ mừng thọ các cụ cao tuổi. Tổ chức lễ ra sao tùy thuộc vào mỗi gia đình, mỗi địa phương nhưng điểm chung là những ngày này con cháu thường tề tựu đông đủ để chúc thọ ông, bà, cha, mẹ.
Các cụ thường được con cháu đưa đến nhà văn hóa hoặc đình để thôn, khu dân cư tổ chức lễ mừng thọ tập thể cho các cụ, sau đó rước các cụ về tổ chức mừng thọ tại gia đình. Đây là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn, tặng quà và những lời chúc các cụ sống lâu, sống thọ.
Lễ mừng thọ tuy giản dị nhưng là những món quà tinh thần vô giá dành tặng các cụ, là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ qua bao đời nay.
Xuân Mậu Tuất này, toàn tỉnh có 30.383 cụ được chúc thọ tuổi tròn từ 70 tuổi trở lên. Trong đó, có 221 cụ xuân này tròn 100 tuổi và có 424 cụ từ 101 tuổi trở lên. Cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Cơ ở thôn Phạm Khê, xã Cao Thắng (Thanh Miện) 117 tuổi. |