Người thầy của toàn bộ quan viên trong phủ chúa Trịnh
Danh nhân - Ngày đăng : 15:11, 17/02/2018
Người thầy nổi tiếng đó là Thám hoa Vũ Thạnh, sinh năm 1664, có tài liệu nói mất năm 1717, có sách ghi ông mất năm 1727. Ông quê ở làng Đan Loan, huyện Đường An, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Người con hiếu thảo
Cuốn Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hồ kể về những nhân vật, sự việc cuối thời Lê cho biết tổ của ông là Hồng Lĩnh hầu làm Lưu thủ xứ Hải Dương. Cha ông là Quốc Tử sinh.
Đến thời Vũ Thạnh sinh ra, nhà rất nghèo, cha con không thể nuôi nhau được. Có lần quan địa phương bắt phu đi đắp lũy, sức ông yếu, không kham nổi, phải bỏ ra ở chùa Báo Thiên, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long, rồi xin vào học ở trường của quan Võ Công Đạo, đồng hương cùng huyện, người làng Mộ Trạch.
Trường quan Mộ Trạch khi ấy ở về ngõ Thừa Tứ phía đông nhà Thái miếu. Cậu con quan Mộ Trạch vẫn có tiếng hay chữ. Khi ông vào nhập môn làm mấy kỳ văn đều đệ nhất cả, cậu công tử ghen tức, dặn anh em đồng môn cứ buổi sớm đón ở trước ngõ, trêu ghẹo làm nhục ông luôn.
Ông phải lẩn đi đường khác, nhưng vẫn bị đám học trò làm khốn khổ đến nỗi sau phải bỏ học, không dám đi nữa. Quan Mộ Trạch hỏi ra mới biết, trách phạt khiến cậu công tử không dám ghen tức.
Ông học giỏi, hơn mười tuổi đỗ Hương nguyên trường phủ Phụng Thiên (phủ có kinh thành Thăng Long). Năm 22 tuổi, ông đỗ Đinh nguyên Thám hoa khoa Ất Sửu, năm Chính Hoà thứ 6 (1685). Sau đó, ông được bổ làm quan, lên đến chức Thiêm đô ngự sử, Tự khanh, rồi được vào làm Bồi tụng (Phó tể tướng) trong phủ chúa Trịnh, được Chúa Trịnh Căn rất yêu mến.
Phố Vũ Thạnh ở Hà Nội
Bài viết chân dung của ông trong Vũ trung tùy bút còn kể lại việc ông được chúa yêu mến thế nào, cũng như tính hiếu thảo của ông. Chuyện là một ngày, gặp bữa ngự thiện, chúa xơi cá trắm rất ngon, liền sai lấy một khúc dọn cơm mời ông vào ăn ở trước mặt. Ông ăn cơm, nhưng để cá lại. Chúa lấy làm lạ bèn hỏi, ông thưa rằng: "Xin để dành đem về cho mẹ".
Chúa rất khen, lại sai lấy khúc cá khác ban cho mẹ ông. Đến khi lấy ra thì chỉ còn khúc đuôi, ông ăn khúc đuôi ấy, để nguyên khúc trước đem về. Chúa lại càng lấy làm kính trọng lắm.
Mở trường dạy học
Thời gian ông làm việc trong giai đoạn chúa Trịnh lộng quyền lấn át vua Lê không kéo dài bao lâu. Chỉ vì can ngăn việc chúa ham mê nữ sắc, ông bị bãi quan. Ông liền về mở trường dạy học ở trại Hào Nam, huyện Quảng Đức (hiện là khu vực làng Thịnh Hào, Hào Nam, thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội). Học trò đông hàng nghìn người, nhiều người đỗ đạt làm quan trong triều.
Theo sách Từ Kinh đô đến thủ đô, trường học của ông ở Hào Nam liền ngay hồ Bảy Mẫu. Mỗi khi đến ngày giảng tập, nhà học không đủ chứa hết, học trò phải mượn thuyền nan cập vào bên hồ nghe giảng.
Học trò trường ông thành đạt đến hơn bảy mươi người. Ông cùng với Nguyễn Đình Trụ, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì đều là bậc sư phạm cho kẻ học giả.
Học trò của ông làm quan nhiều đến nỗi, một lần nhà có giỗ, các học trò làm quan tại triều đều về họp ở nhà ông. Chợt khi ấy, Trịnh phủ đòi các quan vào hầu, mà không có một người nào chực hầu cả. Chúa hỏi kẻ lại phòng mới thưa thực là các quan về lễ giỗ nhà ông thầy ở Hào Nam. Chúa cũng cho đợi đến hôm sau, xong việc mới triệu các quan vào hầu.
Em ông là Vũ Huyên, con là Vũ Huy, đều đỗ tiến sĩ đồng khoa năm 1692. Ngày vinh qui, ông có câu đối: “Đồng triều tam tiến sĩ / Nhất nhật lưỡng vinh quy”. Dịch nghĩa là: Cùng trong một triều vua mà gia đình có ba người đỗ tiến sĩ. Một ngày, trong họ có tới hai lần vinh quy.
Sau ông mất ở làng Hào Nam, chôn ở xã Quang Liệt (nay là xã Thanh Liệt), huyện Thanh Trì, danh tiếng vẫn còn truyền mấy đời sau. Hành khách đi ngoài quan lộ qua làng thường trỏ bảo rằng: "Kia là làng cũ quan Võ Thám hoa đấy!".
Ghi nhớ tài năng và đức độ của ông, tháng 1.2002, HĐND thành phố Hà Nội quyết định đặt tên con phố từ Hào Nam sang Giảng Võ là Vũ Thạnh.
LÊ TIÊN LONG (Zing)