Thương hiệu nông sản uy tín

Kinh tế - Ngày đăng : 20:00, 17/02/2018

Nhiều nông sản của Hải Dương đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên "bản đồ" nông sản Việt Nam, trở thành những thương hiệu vàng được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.


Thu hoạch cà rốt vụ đông ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng). Ảnh: Thành Chung

Lợi thế riêng

Mặc dù có ít điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp nhưng bức tranh nông nghiệp của huyện Kinh Môn không hề đơn điệu mà lại mang đậm dấu ấn của vùng đất bán sơn địa. Thành quả này chính là công sức của người dân trong việc gìn giữ, phát triển sản phẩm nông nghiệp thế mạnh.

Từ lâu, cây hành vụ đông bén đất Kinh Môn, gắn bó với người dân nơi đây như một phần không thể thiếu vì nó mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho nhiều hộ dân. Trái ngược với vụ đông ảm đạm, xơ xác ở không ít nơi, vụ đông Kinh Môn luôn căng tràn sức sống bởi màu xanh của cây hành trên khắp các xứ đồng. Ông Dương Văn Tấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiệp Hòa nói: "Với người dân Kinh Môn, nhìn hành xuống củ là đã thấy Tết đến, xuân về bởi cây hành mang lại giá trị sản xuất từ 250-300 triệu đồng/ha”.

Với hương vị đặc biệt, nếp cái hoa vàng Kinh Môn đã trở thành lựa chọn hàng đầu trong mỗi dịp lễ, Tết. Là giống lúa đặc sản, có nhiều đặc tính quý nên nông dân Kinh Môn ưu tiên gieo cấy trong vụ mùa để phục vụ nhu cầu sử dụng dịp Tết. Theo ông Ngô Quang Sáng, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn, do giống lúa này sinh trưởng dài ngày nên để không ảnh hưởng tới sản xuất vụ đông, người dân thường cấy ở những khu đồng trũng. Mặc dù vậy, trái ngược với điều kiện canh tác khắc nghiệt, thành phẩm thu được lại chinh phục những khách hàng khó tính nhất. Hiện nay, huyện Kinh Môn gieo cấy ổn định khoảng 400 ha nếp cái hoa vàng, cho sản lượng 600 tấn/năm.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước mới chỉ có lác đác vài hộ dân trồng cà rốt thì đến nay, loại cây này đã phủ xanh dải đất bãi ven sông Thái Bình thuộc các xã Đức Chính, Cẩm Văn của huyện Cẩm Giàng. Gắn bó hơn 20 năm với cây cà rốt, nếm trải mọi vui buồn với cây trồng này, bà Nguyễn Thị Hân ở xã Đức Chính cho biết: “Bao năm nay, kinh tế của nông dân nơi đây trông mong vào vụ cà rốt. Vì vậy, mùa trồng cà rốt cũng rộn ràng, háo hức hơn 2 vụ lúa trong năm".

Được thiên nhiên ưu đãi đồng đất phù sa màu mỡ nên cây cà rốt ở đây phát triển thuận lợi, ít sâu bệnh và có nhiều khác biệt với những khu vực khác. Thương lái ưa chuộng cà rốt Cẩm Giàng vì kích thước củ đồng đều, vỏ sáng, có vị ngọt mát, ít ngái. Có những năm, nông dân thu lãi gần 10 triệu đồng/sào, cao gấp từ 4-5 lần so với cấy lúa. Đến nay, huyện Cẩm Giàng có 600 ha cà rốt, cho sản lượng 25.000 tấn/năm.

Lợi thế vùng miền đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cho các khu vực trong tỉnh. Trong đó, cà rốt Cẩm Giàng, nếp cái hoa vàng và hành Kinh Môn là 3 nông sản của Hải Dương được vinh danh “Thương hiệu vàng nông sản Việt Nam năm 2017”.

Tạo dựng thương hiệu từ chất lượng

Mặc dù đã tạo được uy tín ở thị trường trong nước và quốc tế nhưng nhiều giai đoạn, những thương hiệu vàng nông nghiệp của tỉnh nhà vẫn phải loay hoay tìm đầu ra. Đây chính là hệ lụy của thói quen canh tác thiếu bền vững cũng như việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu còn hạn chế.

Do ảnh hưởng của thời tiết nên thời vụ thu hoạch cà rốt năm nay chậm hơn gần 1 tháng so với mọi năm nhưng niềm vui lại đến sớm hơn với người dân Cẩm Giàng khi nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ngỏ ý muốn bao tiêu sản phẩm. Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính bày tỏ: "Doanh nghiệp chủ động liên kết đã khẳng định vị thế của cây cà rốt đang ngày một cao, giá trị kinh tế cũng từ đó mà được nhân lên. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu".

Nhằm khắc phục những hạn chế trong canh tác, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP. Chất lượng nông sản chính là cơ sở tiên quyết để định giá nông sản, giúp nông dân chủ động trong tiêu thụ. Chỉ khi kiểm soát được chất lượng, người dân mới không bị yếu thế trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản.

Để khai thác tối đa giá trị sản xuất nông nghiệp từ những sản phẩm thế mạnh, huyện Kinh Môn có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương. “Hỗ trợ nông dân sản xuất tập trung, theo hướng an toàn, thí điểm các mô hình áp dụng kỹ thuật mới, chú trọng khâu chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế. Thương hiệu không chỉ được xây dựng từ hình ảnh mà còn phải qua khâu canh tác khoa học, bài bản để có sản phẩm chất lượng, an toàn”, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn khẳng định.

Những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh đang ngày càng khẳng định được vị thế. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bên cạnh việc phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tiết kiệm chi phí sản xuất, các địa phương cần quan tâm xây dựng thương hiệu nông sản một cách bài bản hơn.

DŨNG CƯỜNG