Tạo môi trường quốc tế thuận lợi, phục vụ phát triển kinh tế bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 15:41, 18/02/2018

2017 là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam với tăng trưởng GDP đạt 6,81%.

Với kết quả này, Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á và toàn cầu.

Đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng của các cấp, các ngành và toàn thể dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có những đóng góp thiết thực của công tác ngoại giao kinh tế về tạo môi trường quốc tế thuận lợi và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Ngoại giao kinh tế tạo thuận lợi phục vụ các lợi ích kinh tế

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8.11.2017. Ảnh: TTXVN

Trong năm 2017, ngoại giao kinh tế đạt được một số thành tựu nổi bật. Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại đa phương, với điểm sáng là đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC 2017.

Đây có thể coi là đợt triển khai ngoại giao kinh tế lớn với thành công nổi bật là tận dụng triệt để cơ hội do APEC mang lại để phục vụ những lợi ích kinh tế cụ thể.

Việt Nam đã khởi xướng ý tưởng, lồng ghép thành công các nội dung phục vụ lợi ích lâu dài của Việt Nam như: phát triển bao trùm, nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu.

Với các cơ chế đa phương khác, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt cho Lãnh đạo cấp cao ta tham dự tích cực, thực chất tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng (như G20, WEF Davos, WEF Asean, Mekong – Lan Thương, Diễn đàn cấp cao “Vành đai và con đường – BRI, …).

Ngoại giao Kinh tế đã góp phần kiến tạo những điều kiện cần cho chuyển tiếp kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phát triển tới, đặc biệt là việc duy trì giá trị cốt lõi của thương mại, đầu tư tự do và mở, ủng hộ cho hệ thống thương mại đa phương.

Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành đã vận động các nước thành viên kiên trì nền tảng để tiếp tục thảo luận, hướng tới Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; thúc đẩy đàm phán, phê chuẩn, triển khai các các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc…; tích cực vận động các nước công nhận Quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam (hiện đã được 70 nước công nhận).

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Nguyễn Văn Thảo cho biết, 2017 là năm điển hình cho việc ngoại giao kinh tế tạo môi trường chính trị ngoại giao thuận lợi phục vụ các lợi ích kinh tế.

Đã có 51 đoàn cấp cao ra và vào Việt Nam, tăng 30% so năm 2016. Các chuyến thăm này đã góp phần xây dựng được trọng tâm, cơ chế, cũng như khuôn khổ hợp tác trên từng lĩnh vực phát triển kinh tế.

Có thể lấy ví dụ như sự tấp nập trong các chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Nhật Bản, đưa đến hơn 40 văn kiện hợp tác kinh tế trị giá hàng chục tỷ USD, hay việc đột biến trong trao đổi đoàn các cấp khu vực Trung Đông – châu Phi với kết quả là 22 hiệp định, thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế được ký kết.

Để đạt được một số kết quả này, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Nguyễn Văn Thảo cho rằng, công tác tham mưu, nghiên cứu kinh tế được đẩy mạnh theo nhiều cấp độ và hình thức, tận dụng tương đối tốt mạng lưới cơ quan đại diện, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, bộ, ngành trong điều hành kinh tế - xã hội, có đối sách phù hợp với những vấn đề nảy sinh, tham gia hiệu quả hơn vào các sáng kiến kinh tế mới nổi. Việc tăng các báo cáo mang tính ứng dụng là nét mới năm 2017.

Công tác xúc tiến, tìm kiếm, mở rộng thị trường thương mại - đầu tư được chuyên nghiệp hóa và bước đầu tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.

Năm 2017, nổi bật là xúc tiến các mặt hàng nông sản. Các hoạt động xúc tiến diễn ra nhộn nhịp ở nhiều địa bàn, đặc biệt tại những địa bàn đặc biệt khó khăn như: Mông Cổ, Ai Cập, Iran, Uzbekistan, Bangladesh…

Điểm nhấn quan trọng nữa là việc Bộ trưởng Ngoại giao ban hành Chỉ thị 03 về việc đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế vì mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020.

Chỉ thị và kế hoạch ngoại giao kinh tế 2017 - 2018 là khuôn khổ chính sách quan trọng giúp định hướng nhiệm vụ công tác và các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế trong bối cảnh mới.

Góp phần hình thành hệ thống thương mại quốc tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành và cơ quan hai nước nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cùng với thể chế ổn định, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đặc biệt, là đối tác, đối tác toàn diện, hay đối tác chiến lược với khoảng 30 quốc gia khác nhau (trong đó có các đối tác chủ chốt như: Hoa Kỳ, Nhật, Nga…) bảo đảm ổn định, thuận lợi cho đất nước trong giao thương quốc tế.

Để có được những mối quan hệ kinh tế bền vững, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Văn Thảo nhận định: Một là, tham gia các thỏa thuận kinh tế - thương mại đa phương có nhiều ý nghĩa lớn. Ngoài tác dụng thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước tham gia, đây còn là khẳng định cam kết chính trị của Việt Nam sẵn sàng chủ động, tích cực hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế vì phồn vinh chung.

Hai là, các thỏa thuận này đã và sẽ đem lại môi trường thuận lợi để nâng cao hơn nữa chất lượng của nền kinh tế quốc dân. Từ đó kiến tạo cơ sở cho Việt Nam thúc đẩy, mở rộng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ về kinh tế - thương mại với các đối tác khác trong đó có các đối tác lớn.

Ba là, quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt trong kinh tế thương mại, phải dựa trên sự cân bằng, bền vững với các chính sách minh bạch. Các thỏa thuận thương mại song phương hay đa phương vì vậy cần được xây dựng trên các nguyên tắc này và các thỏa thuận thương mại cần bổ sung, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Nguyễn Văn Thảo, trong năm 2018, Việt Nam có nhiều nhiệm vụ tham gia xây dựng các thỏa thuận thương mại đa phương và song phương.

Trước hết, Việt Nam cần rà soát lại các thỏa thuận đã đạt được và đang thực hiện. Trong quá trình này có thể cùng các nước xác định các điểm mạnh cũng như những tồn tại của các thỏa thuận để có thể sửa đổi, cải tiến và thậm chí là xây mới; cần đổi mới mạnh mẽ hơn các chính sách và cơ chế hỗ trợ cho thương mại và đầu tư, cởi mở, minh bạch, trong sạch chính là nền tảng cho sự bền vững trong phát triển; cần tìm kiếm, xác định và xây dựng các chuẩn mực chung, hài hòa lợi ích của các bên để từ đó đem lại sự cân bằng trong quan hệ kinh tế thương mại của nước ta với các nước khác.

Thế giới bước vào năm 2018 vẫn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, tập trung phát huy tốt nội lực sẽ là chìa khoá mở cánh cửa phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam.

Đối với Việt Nam, 2018 là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Với mục tiêu tổng quát: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”

Năm 2018, Việt Nam phấn đấu thực hiện các cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, thúc đẩy sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Với 16 hiệp định tự do thương mại đã có hiệu lực hoặc đang đàm phán, Việt Nam đang ngày càng chủ động tham gia và góp phần hình thành hệ thống thương mại quốc tế.

Trong năm 2018, Việt Nam rất cần những động lực mới để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế. Trước các yêu cầu bức thiết này, công tác ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với phương châm “Tham mưu, triển khai, khởi xướng và liên kết sâu rộng”, bám sát yêu cầu của đất nước, thúc đẩy các nội dung có ý nghĩa thiết thực với Việt Nam.

Tin rằng, với những đổi mới về phương pháp tiếp cận, ngoại giao kinh tế 2018 sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, phục vụ hiệu quả hơn mục tiêu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước trong thời gian tới.

NGUYỄN HỒNG ĐIỆP(TTXVN)