Xuân Mậu Tuất nhớ Tết Mậu Thân

Chính trị - Ngày đăng : 14:41, 19/02/2018

Thắng lợi của Mậu Thân đã đi vào sử sách, là bản hùng ca mùa xuân bất diệt của dân tộc Việt Nam.

Nghe Bác Hồ chúc Tết Mậu Thân, nhận lệnh tiến về Sài Gòn

Đêm Giao thừa Xuân Mậu Thân 1968, quân dân cả nước náo nức lắng nghe thơ Chúc Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đây cũng chính là “hiệu lệnh tổng tiến công”:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, 

Tiến lên, toàn thắng ắt về ta”.

Đúng mệnh lệnh, 3h sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lực lượng đặc công biệt động đã đánh trúng 5 mục tiêu quan trọng tại Sài Gòn lúc đó, là: Tòa đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh hải quân, Đài phát thanh và Bộ Tổng tham mưu.

xuan mau tuat nho tet mau than hinh 1
Quân giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)

Bà Vũ Minh Nghĩa, Bí danh Chín Nghĩa, công tác tại đội 5, Biệt động Sài Gòn - Gia Định, tham gia mũi tấn công vào Dinh Độc Lập năm Mậu Thân 1968, kể lại: Bà vào bộ đội từ năm 1965, nhưng chưa có cái Tết nào lại vui như cái Tết năm Mậu Thân 1968.

Năm đó cả chiến khu, bộ đội tập trung ăn Tết rất sôi nổi. Đặc biệt là dân rất ủng hộ nên lo hết mọi thứ, mang đồ ăn, thức uống đặc sản phục vụ bộ đội ăn Tết đặng đi chiến đấu.

Các đơn vị tập trung lại liên hoan tất niên, sau đó cùng nhau quây quần uống trà, ăn bánh, mứt, đến giờ Giao thừa nghe Bác chúc Tết, đọc thơ, không khí thật sự ấm cúng. Cả đơn vị ai cũng phấn chấn. Sau khi đón Giao thừa, đồng chí Thủ trưởng đơn vị phổ biến: Đêm nay cả đơn vị hành quân về Sài Gòn. Tất cả mọi người trong đơn vị sẵn sàng nhận nhiệm vụ cùng tiến về Sài Gòn. Riêng bà Nghĩa vì phải đưa 4 đồng chí từ bộ đội chuyển về, họ không biết đường nên bà phải đi cùng, đến sáng mùng 1 Tết mới vào Sài Gòn được.

Mấy ngày không ăn uống gì, ai cũng đói lả, nhưng tinh thần thì vẫn vững như thép. Nhìn vào bàn thờ gia tiên của chủ nhà ngày Tết có cặp dưa hấu, nhưng không ai dám xẻ dưa hấu ra ăn vì lúc nào cũng nhớ tới mệnh lệnh: Đã là quân giải phóng thì không được đụng vào bất cứ thứ gì của dân nếu chưa được dân đồng ý.

Là đội biệt động đã từng tham gia nhiều trận đánh vào nội thành Sài Gòn, nhưng số lượng trước đó chỉ 5 - 7 người, lần này đội của bà Nghĩa tới 15 người, vì vậy phải làm sao có đủ số vũ khí sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị bà tập kết tại nhà ông Năm Lai hay còn gọi là Mai Hồng Quế, ở đường Võ Văn Tần, quận 3 tiếp nhận đủ vũ khí chuẩn bị đánh vào Dinh Độc Lập. Để bảo đảm kế hoạch và bí mật, 2h sáng đơn vị bà phải hành quân sớm và nổ súng trước quy định 15 phút đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Sau khi chiếm được Dinh Độc Lập, 15 chiến sĩ đặc công biệt động anh dũng chiến đấu chờ lực lượng tiếp ứng của ta. Tuy nhiên, quân tiếp viện của ta đã không vào được đúng như kế hoạch. Trong vòng vây dày đặc của địch, Đội 5 của bà Chín Nghĩa hy sinh 8 người, 7 người còn lại đều bị thương. Mọi người đành phải men theo từng bức tường, các bụi cây chiến đấu chống lại quân tiếp viện của địch.

Thủ trưởng của bà Nghĩa trước khi hy sinh đã trăn trối: Phải giữ vững trận địa cho đến hơi thở cuối cùng để chờ tiếp viện đến. Mọi người đã cùng thề thực hiện lời trăn trối của thủ trưởng mình. Chính vì vậy trong tình thế vô cùng khó khăn, thiếu súng đạn, không thức ăn, nước uống, 15 người chỉ còn 7 người nhưng họ đã làm được kỳ tích là đánh chiếm được Dinh Độc Lập và giữ được trong nhiều ngày, nhiều giờ.

Điều xúc động mà một số đồng đội của bà Nghĩa còn nhớ, là khi bị địch bao vây tứ phía, cả đội của bà Nghĩa đành rút vào cao ốc đối diện dinh Độc lập, lánh vào tầng trên của một ngôi nhà. Mấy ngày không ăn uống gì, ai cũng đói lả, nhưng tinh thần thì vẫn vững như thép. Khi ông chủ nhà lên lầu, ban đầu ông hốt hoảng vì nhìn thấy những vị khách lạ trong nhà, nhưng sau khi được giải thích là bộ đội giải phóng đánh Dinh Độc Lập, ông an tâm hỏi han và bảo dọn cơm cho mọi người ăn. Nhưng để đảm bảo bí mật, mọi người từ chối, biết ý, ông chủ động xẻ dưa mời mọi người ăn.

Ai cũng bảo, trong đời chưa bao giờ họ được ăn một bữa dưa hấu ngon đến như vậy, trong lòng ai cũng cảm kích vị chủ nhà này. 7 người trong đội của bà Nghĩa sau đó bị địch bắt tra tấn, tù đày, nhưng ai cũng giữ vững khí tiết của biệt động Sài Gòn. Điều mà họ lo lắng nhất lúc đó là không biết vị chủ nhà ấy có bị liên lụy gì không.

Quán phở đóng cửa nuôi 100 quân trong những ngày Tết

Ông Nguyễn Kim Bạch, con rể ông Ngô Toại, chủ tiệm phở Bình nằm trên đường Yên Đỗ, nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM, bồi hồi nhớ lại 50 năm trước: Năm 1968, những ngày giáp Tết Nguyên đán, tiệm phở Bình vẫn mở bán bình thường, đến 9h sáng 29 Tết mới đóng cửa. Trong nhà lúc đó đã mua sẵn gạo, phở, thịt bò, heo để phục vụ 100 người ăn. Bắt đầu từ 9h sáng 29 Tết (năm đó không có 30), tiệm Phở Bình đón 100 cán bộ, chiến sĩ đặc công, biệt động vào để chuẩn bị cho tổng công kích.

Cả gia đình ông Ngô Toại vừa lo chỗ ăn nghỉ vừa cảnh giới cho mọi người. Căn nhà 3 tầng người đông nghẹt, không có chỗ nằm, mọi người chỉ ngủ ngồi và luôn trông chờ lệnh tổng tiến công. Lúc đó không ai biết rằng tiệm phở Bình là nơi đặt Sở chỉ huy Tiền phương - Phân khu 6 (thuộc Đặc khu Sài Gòn - Gia Định).    

Mùng 1 Tết, lúc 23h30, ông Ba Thắng, tức Võ Văn Thạnh, Chính ủy Phân khu 6 đến tiệm phở Bình cùng ông Tư Chu (tức Đại tá Nguyễn Đức Hùng, nguyên Phó Tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu, kiêm chỉ huy lực lượng Biệt động Sài Gòn Gia Định).

Ông Ba Thắng đứng trước bàn thờ gia đình thắp hương rồi đọc lời hiệu triệu của Mặt trận Giải phóng và tuyên bố đây là Sở chỉ huy của phân khu. Ông Ba Thắng đọc lời hiệu triệu tổng công kích của Sài Gòn - Gia Định, đúng giờ G là 3h sáng mùng 2 Tết. Sau đó 100 người tủa đi các điểm tấn công.

Tiếng súng bắt đầu rộ lên mà nhiều người ban đầu tưởng là tiếng pháo Tết. Từ trên sân thượng, ông Bạch nhìn rõ 5 vị trí của Sài Gòn bị quân đặc công biệt động tấn công là: Tòa đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh hải quân, Đài phát thanh và Bộ Tổng tham mưu. 

Cả gia đình ông Ngô Toại tiệm phở Bình bị bắt, ông Toại và con rể là Nguyễn Kim Bạch bị tra tấn, tù đày. Thế nhưng sau này khi nhắc lại với con cháu, vợ chồng ông Ngô Toại và ông Bạch vẫn luôn tự hào về quãng đời tham gia cách mạng của mình.

Các nhân chứng tham gia Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử", tổ chức tại TPHCM ngày 29.12.2017.

Tiệm phở Bình ngày nay đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tầng trệt quán phở vẫn hoạt động bình thường. Lầu 1 của ngôi nhà dành trọn làm nơi lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh của gia đình ông Ngô Toại và các chiến sĩ đặc công biệt động Sài Gòn năm Mậu Thân 1968. Đây cũng là nơi họp mặt của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm nào. 

Thuộc nằm lòng lời kêu gọi để chuẩn bị lên sóng phát thanh

Tham gia cùng lực lượng đặc công biệt động đánh chiếm Đài phát thanh năm Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Trọng Xuất, tức Sáu Nhân, lúc đó là Phó Ban tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định, bồi hồi nhớ lại: Đón Tết Mậu Thân năm ấy ai cũng hồ hởi, phấn khởi và nghĩ rằng đã cầm chắc phần thắng trong tay. Nhóm ông lúc đó gồm 5 người, theo mệnh lệnh, khi nào biệt động và đặc công đánh chiếm xong đài phát thanh thì nhóm của ông sẽ lên sóng phát lời kêu gọi của Mặt trận Giải phóng. Nội dung đã được ông thuộc nằm lòng chứ không viết ra giấy vì sợ bị lộ, vũ khí của nhóm ông không phải là súng, đạn mà là máy ghi âm.

0h ngày mùng 2 Tết, nhóm của ông ẩn náu ở căn nhà số 3 đường Hiền Vương, nay là đường Võ Thị Sáu, cách Đài phát thanh lúc đó 100m. Nếu bộ đội chiếm được đài phát thanh là nhóm của ông xông vào ngay. Ông bà chủ nhà đón tiếp họ rất niềm nở và tin tưởng giao cho nguyên tầng 3 căn nhà để chờ đợi.

Kế hoạch không thành, nguyên đội biệt động gồm 15 người tấn công đài phát thanh hy sinh, chỉ còn 1 người thoát ra được. Vụ việc bị lộ, không vào được đài phát thanh, lính Mỹ bao vây tứ phía, nhưng ông chủ nhà bình tĩnh bảo mọi người cứ thoát ra ngoài một cách bình thản, để lại tất cả phương tiện trong nhà, ông sẽ có phương án đối phó với địch.

Sau ngày giải phóng, ông Sáu Nhân về thăm gia đình ông chủ nhà tốt bụng ấy và được đón tiếp nồng hậu, điều đặc biệt nữa là các phương tiện của nhóm phát thanh ngày ấy vẫn được gia đình chủ nhà giữ gìn nguyên vẹn.

Ông Sáu Nhân xúc động bảo rằng: Lúc ấy không nhờ nhân dân thì sẽ còn nhiều tổn thất nặng nề hơn. Sau này, khi cùng nhóm các nhà sử học biên soạn bộ Lịch sử Nam bộ kháng chiến, đến nội dung nói về Mậu Thân 1968, ông Sáu Nhân lại rưng rưng nhớ về những ngày xuân bão đạn năm ấy, nhớ về những đồng chí, đồng đội đã không còn trở về sau trận chiến. 

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong mùa Xuân Mậu Thân

Trong những ngày Tết Mậu Thân 1968, giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù, 88 cán bộ, chiến sĩ đặc công biệt động Sài Gòn đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, 74 người đã hy sinh hoặc sa vào tay giặc trong tư thế “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những “cái chết làm nên lịch sử” của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn lúc bấy giờ đã có ý nghĩa vô giá, mang tầm chiến lược của những trận quyết chiến của biệt động Sài Gòn.

Theo đánh giá của Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, vai trò của quân dân miền Nam hết sức vĩ đại. Nếu không có nhân dân miền Nam thì chúng ta không đánh được Mậu Thân. Người dân đã mang đồ tiếp tế, súng đạn và dẫn đường cho bộ đội, rồi che giấu, chăm sóc bộ đội.

Trong 5 mục tiêu tấn công tại Sài Gòn, thì Tòa đại sứ Mỹ là mục tiêu quan trọng nhất và được người Mỹ coi là nơi bất khả xâm phạm. Thế nhưng, 17 chiến sĩ đặc công biệt động đã anh dũng tấn công vào sào huyệt này ngay trong ngày Tết khiến cho nước Mỹ rúng động, chính quyền Mỹ choáng váng. Họ không ngờ rằng “chiến tranh đã đi vào tận phòng ngủ của quân Mỹ” như báo chí Mỹ thời đó đã viết.

Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, thì chỉ có những ai ở trong cuộc mới biết Xuân Mậu Thân có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với cách mạng Việt Nam. Đã có những mất mát, đau thương, hy sinh nhiều sức người sức của, nhưng sự hy sinh đó được dân tộc ghi nhận. Điều này đã khẳng định rằng: Đồng bào Nam bộ có một lòng yêu nước nồng nàn, luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ và với quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng này tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris, chấm dứt ném bom không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hoá chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh.

CAO THOA (VOV)