Tổng tiến công và nổi dậy 1968: Trận đánh tiêu biểu trên chiến trường Vĩnh-Trà
Chính trị - Ngày đăng : 10:22, 21/02/2018
Xe tăng Mỹ bị quân giải phóng đánh, chiếm những ngày đầu 1968. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Cách đây 50 năm, tại Vĩnh Long, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn khi làm chủ thị xã Vĩnh Long trong 6 ngày đêm, cắt đứt Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) trong 22 ngày đêm, góp phần tạo điều kiện để cách mạng tiến lên và giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Trận đánh vào sân bay Vĩnh Long
Sân bay Vĩnh Long, một trong bốn sân bay lớn ở miền Tây Nam Bộ, là bàn đạp xuất phát hành quân đánh phá bằng trực thăng của địch ở chiến trường Sa Đéc-Vĩnh Long-Trà Vinh. Hệ thống bảo vệ sân bay được địch xây dựng hoàn chỉnh, kiên cố, bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ với nhiều vũ khí hiện đại.
Nói về trận đánh này, Thiếu tướng Lê Quang Viễn, nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Vĩnh Long cho biết 2 giờ 30 phút ngày 30.1.1968 (tức rạng sáng Mùng 1 Tết Mậu Thân) tiếng súng của quân ta đã gầm vang; tiếp đó từ các hướng, các mũi súng nổ dồn dập liên hồi; ánh lửa bừng lên sáng rực bầu trời thị xã Vĩnh Long.
Tiểu đoàn 857 được sự hỗ trợ của một đại đội đặc công và một đại đội pháo binh đánh chiếm toàn bộ sân bay, tạo điều kiện cho các hướng khác đánh chiếm và làm chủ toàn bộ thị xã.
Trong cuộc Tổng tiến công Xuân 1968, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã chiến đấu rất kiên cường.
Theo Thiếu tướng Lê Quang Viễn, trận tập kích vào sân bay Vĩnh Long của Tiểu đoàn 857 và các đại đội trực thuộc tỉnh đã góp phần giành thắng lợi to lớn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ta đã phá hủy toàn bộ máy bay ở đây, giáng một đòn rất mạnh vào tận hậu cứ của địch.
Bên cạnh đó, việc bị mất nhiều phương tiện cũng khiến sân bay của địch phải ngừng hoạt động chờ củng cố, bổ sung thêm lực lượng, phương tiện...
Thiếu tướng Lê Quang Viễn cho rằng cùng với các hướng tiến công khác, trận đánh vào sân bay Vĩnh Long đã làm cho hệ thống phòng thủ của địch bị lung lay. Nhiều đồn bốt bảo vệ vòng ngoài bị vô hiệu hóa, nhiều mục tiêu trong chiều sâu phòng thủ của địch mà chúng từng tuyên truyền là bất khả xâm phạm, đã bị quân giải phóng tấn công...
Trận đánh vào sân bay Vĩnh Long được coi là một trong những trận đánh tiêu biểu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại chiến trường Vĩnh-Trà.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công vào thị xã Vĩnh Long trong Tết Mậu Thân 1968, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung toàn lực lượng từ các đơn vị chủ lực của tỉnh đến các lực lượng ở thị xã, địa phương tham gia trận đánh.
Trong đợt tổng tiến công này, quân và dân Vĩnh Long đã làm chủ thị xã Vĩnh Long trong 6 ngày đêm; tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn quân Mỹ, quân ngụy; đánh thắng ở sân bay Vĩnh Long, làm chủ bến phà Mỹ Thuận, cắt đứt giao thông chiến lược, làm chủ Quốc lộ số 4 trong 22 ngày đêm...
Vĩnh Long là địa phương thứ hai sau Huế mà quân ta đã chiếm giữ được trong nhiều ngày liền. Sau đó, địch phản kích dữ dội, lực lượng của ta đã rút ra vùng ven và nông thôn để làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh giải phóng nông thôn sau này.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao. Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Ký Ức, thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long đã góp phần cùng chiến trường chung làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải "xuống thang" chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, đồng thời ngồi đàm phán với ta ở Hội nghị Paris.
Nữ du kích Dầu Tiếng trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy 1968. (Ảnh tư liệu TTXVN)
Theo nguyên Trung đội trưởng Phan Minh Nguyên (Tiểu đoàn 306), thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long đã đem lại nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch, chiến lược quý báu.
Đặc biệt, chiến thắng Mậu Thân cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị bộ đội chủ lực với quân địa phương; khẳng định sự đóng góp, che chở, đùm bọc của quần chúng nhân dân, dựa vào dân để có những quyết sách hợp lòng dân, phát huy sức mạnh của toàn dân.
Bên cạnh đó, qua trận đánh này, quân và dân ta đã được rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu để lực lượng vũ trang trưởng thành về mọi mặt. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn cho cách mạng Vĩnh Long trong những giai đoạn sau của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thắng lợi này còn là kết quả của quá trình xây dựng lực lượng, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, vận dụng sáng tạo phương châm đánh địch bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận) tạo thành sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón khẳng định thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long là kết quả của sự phát huy mạnh mẽ trí sáng tạo, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc của quân và dân trong tỉnh. Đó cũng là kết quả của cả một quá trình tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm từ truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc, tư tưởng "lấy nhỏ đánh lớn," "lấy ít địch nhiều," lấy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân để đánh thắng giặc Mỹ.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, đó là khát vọng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do," là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong chuẩn bị và thực hành tổng tiến công-nổi dậy; thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.
Theo TTXVN