Chủ tịch nước dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”
Tin tức - Ngày đăng : 14:09, 24/02/2018
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với đại biểu cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Sáng 24.2 (mùng 9 Tết Mậu Tuất), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” Xuân Mậu Tuất 2018. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới tham dự các hoạt động văn hóa, chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ngày hội có sự tham gia của khoảng 200 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sỹ trí thức, nghệ nhân của 21 cộng đồng dân tộc đến từ 14 tỉnh, thành đại diện cho các dân tộc, vùng miền trong cả nước-sự kiện có sự tham gia của các cộng đồng dân tộc đông nhất từ trước tới nay.
Các cộng đồng dân tộc tham dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” Xuân Mậu Tuất 2018 gồm Bố Y (Lào Cai); Si La, Mảng (Lai Châu), Mông, Cờ Lao, La Chí, Pu Péo (Hà Giang); Ơ Đu (Nghệ An); Chăm (Ninh Thuận); Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Kon Tum); Dao (Hà Nội); Tày (Thái Nguyên); Mường (Hòa Bình); Khơ Mú (Điện Biên); Thái (Sơn La); Êđê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng); Raglai (Ninh Thuận); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế).
Có 11 dân tộc đang sinh hoạt tại Làng như Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Êđê, Khmer...; 10 dân tộc hầu hết đều là các dân tộc thiểu số dưới 10.000 người ở vùng biên giới như Cờ Lao, La Chí, Pu Péo, Bố Y, Si La...
Trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc,” đại biểu đồng bào các dân tộc đã phát biểu báo công, chúc Tết; bày tỏ tình cảm và đề xuất, kiến nghị của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với Đảng, Nhà nước.
Trong tiết đầu Xuân mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi tới toàn thể đồng bào những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử, 54 dân tộc anh em đã đồng cam, cộng khổ, đoàn kết, gắn bó keo sơn đưa dân tộc ta vượt qua mọi thác ghềnh, thử thách, hun đúc nên khí phách Việt Nam, tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc anh em giống như những bông hoa rực rỡ cùng khoe sắc trong vườn hoa chung của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
“Tháng Giêng khởi đầu cho một năm lao động, sản xuất. Mùa Xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của những lễ hội truyền thống tốt đẹp, đầy ý nghĩa. Đồng bào các dân tộc trên cả nước cũng có những hoạt động lễ hội đặc sắc khai Xuân, cầu mùa, gửi gắm ước mơ, hy vọng vào những mùa vàng bội thu. Những lễ hội Xuân đậm sắc màu được hình thành sống động trong dòng chảy văn hóa các dân tộc,” Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và đồng bào các dân tộc hoạt động tại Làng đã có nhiều nỗ lực, góp phần vào công cuộc bảo tồn, phát triển văn hóa, khẳng định sức sống trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, từng bước đưa Làng trở thành điểm đến du lịch.
Đặc biệt, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” qua các năm tổ chức đã đón hàng chục nghìn lượt đồng bào các dân tộc tham gia hơn 50 lễ hội, hoạt động. Đây là điểm hội tụ, lan tỏa truyền thống văn hóa, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng, miền tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh để sắc xuân, khí xuân lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt,” thực hiện những giải pháp, việc làm cụ thể, thiết thực hỗ trợ đồng bào các dân tộc trong phát triển kinh tế-xã hội, giáo dục, văn hóa, y tế...
Trong không khí ngày hội văn hóa đặc sắc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đánh cồng khai hội, tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân cùng toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam tham dự ngày hội.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu đã trồng cây lưu niệm tại Làng dân tộc Mường.
Tại Làng dân tộc Mông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thực hiện nghi thức dựng cây nêu, mở Lễ hội Gầu Tào của người dân tộc Mông tỉnh Hà Giang.
Đây là lễ hội lớn của đồng bào dân tộc Mông, thường diễn ra vào dịp đầu xuân. Lễ hội mang ý nghĩa tạ ơn thần linh đã ban cho con cái, sức khỏe và làm ăn thuận lợi.
ĐỨC DŨNG (TTXVN)