Khi người trẻ nghiện mạng xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 05:42, 27/02/2018
Thay vì tâm sự, trò chuyện cùng bạn bè, nhiều bạn trẻ dành thời gian vào mạng xã hội, sống trong thế giới ảo
Đỗ Thị Nga, sinh viên năm cuối Khoa Kinh tế (Trường Đại học Hải Dương) cho biết: “Lớp em hầu như ai cũng có điện thoại thông minh và tài khoản Facebook. Giờ ra chơi ít khi các bạn tán gẫu, trò chuyện với nhau mà thường vào mạng xã hội (MXH) đọc và bình luận trên đó. Bản thân em nếu không vào Facebook cũng cảm thấy bứt rứt không yên".
Không chỉ sinh viên mà nhiều học sinh THPT, THCS hiện nay cũng sử dụng các MXH như Facebook, Zalo, Instagram... "Một ngày ít nhất em phải dành 30 phút để vào MXH. Nếu ngày nào không vào mạng em cứ thấy thiếu thiếu"-em Nguyễn Đức H., học sinh lớp 11A Trường THPT Nam Sách 2 thú nhận.
Nhiều bạn trẻ chia sẻ là họ dành rất nhiều thời gian vào Facebook, Zalo chỉ để xem những người xung quanh đăng hình ảnh gì, cập nhật trạng thái nào và "like" rồi bình luận những chia sẻ, cập nhật ấy...
Chúng ta không thể phủ nhận được những tiện ích mà MXH đưa lại cho người dùng trong việc kết nối thông tin, tìm kiếm bạn bè, mở rộng mối quan hệ xã hội và tầm hiểu biết. Tuy nhiên, việc lạm dụng MXH có thể gây ra nhiều vấn đề về tâm lý và sức khoẻ nhất là khi chúng ta rơi vào trạng thái “nghiện”.
Anh Hoàng Việt Dũng ở thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) cho biết: "Bây giờ các buổi tụ tập bạn bè của bọn em không còn vui vẻ như trước vì ai cũng bận vào mạng, lướt Facebook".
Theo các chuyên gia tâm lý, không kiểm soát được việc sử dụng MXH, nhiều bạn trẻ không còn thời gian cho học tập, công việc, dần trở thành người phụ thuộc vào MXH, bị thao túng thời gian, thậm chí cả quyền riêng tư, sức khoẻ, vật chất... Những người nghiện MXH thường có xu hướng ít tiếp xúc với thế giới thực, với các mối quan hệ xã hội. Quá chú tâm vào MXH khiến giới trẻ quên đi mục tiêu thực sự của cuộc sống. Thay vì chú tâm tìm kiếm công việc trong tương lai bằng cách học hỏi những kỹ năng cần thiết, các bạn trẻ lại chỉ chăm chú để trở thành “anh hùng bàn phím” và nổi tiếng trên mạng.
"Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những người sử dụng MXH càng nhiều thì càng cảm thấy tiêu cực, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm. Việc nghiện MXH khiến giới trẻ tự đánh giá bản thân, bị lệch lạc bởi những gì họ thể hiện trên mạng không hẳn là con người thật của họ. Việc thường xuyên so sánh bản thân mình với bạn bè trên mạng cũng như cố gắng để được như bạn hoặc hơn bạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của những người trẻ tuổi"- TS Đồng Thị Yến, giảng viên bộ môn tâm lý Trường Cao đẳng Hải Dương cho biết.
Những biểu hiện trên MXH cho thấy các bạn trẻ ngày càng vô cảm, thờ ơ với các sự việc xảy ra trong đời sống xã hội. Trong khi đó, hình ảnh phản cảm lại nhận được nhiều lượt thích của người xem, kèm theo là các dòng bình luận gây sốc, văng tục chửi thề thiếu văn hóa mà phần lớn chủ các tài khoản Faceboook đó đều là những người trẻ tuổi.
Để phát huy mặt tích cực, hạn chế những tác hại của MXH, mỗi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi cần tỉnh táo khi tham gia, chỉ nên xem đó là một cách tương tác phụ, là kênh thông tin giải trí đơn thuần. Việc sử dụng thông tin trên MXH cần cân nhắc, tránh những hệ lụy đáng tiếc. Gia đình và nhà trường cần giáo dục, hướng dẫn học sinh cách sử dụng MXH cũng như tổ chức nhiều hoạt động giao lưu trong đời sống thật để các bạn trẻ không đắm chìm vào thế giới ảo.
HOÀNG NGÂN