Những tay mổ cự phách
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:25, 27/02/2018
Bước vào cuộc phẫu thuật, bác sĩ không chỉ mổ bằng đôi bàn tay mà cần phải có cái đầu “lạnh” và trái tim "nóng"
Khoác lên mình chiếc áo blouse xanh, bước vào phòng phẫu thuật với ánh đèn bật sáng, lý trí vững vàng, đôi tay nhanh nhẹn, dứt khoát và trái tim ấm nóng, những tay mổ cự phách cùng với ê kíp đã giúp nhiều bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch. Với họ, cứu người không chỉ đơn thuần là công việc mà đã trở thành sứ mệnh cao cả mà họ vinh dự được tin tưởng trao gửi trong cuộc đời.
Không chỉ mổ bằng đôi tay
Khi nghe tin phải lên bàn phẫu thuật, bệnh nhân và người nhà đều rất lo lắng vì không biết kết quả sau phẫu thuật sẽ như thế nào, tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ ra sao. Do vậy, nhiệm vụ của các bác sĩ không chỉ là cầm dao mổ mà còn là người phân tích, động viên bệnh nhân và người nhà trước giờ phẫu thuật.
Trong y khoa có hai loại mổ là mổ theo kế hoạch và mổ cấp cứu. Nếu như mổ theo kế hoạch, các bác sĩ đã được chuẩn bị từ trước thì mổ cấp cứu đòi hỏi các bác sĩ phải kịp thời ứng phó, xử lý nhanh chóng nhưng cũng phải thật chuẩn xác để giúp bệnh nhân vượt qua nguy hiểm.
Hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ chuyên khoaII Nguyễn Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại 2 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) không thể nhớ mình đã phẫu thuật cho bao nhiêu bệnh nhân. Nhưng với ông, mỗi ca bệnh là một cuộc sát hạch khác nhau, nếu không chú ý hoặc không nghiên cứu kỹ kỹ thuật mổ thì chỉ trở thành “thợ mổ” thông thường. Vì vậy, bác sĩ Trung cho rằng khi bước vào cuộc phẫu thuật, bác sĩ phải mổ bằng "cái đầu". Nếu phán đoán giỏi, phát hiện nhanh tổn thương, kịp thời đưa ra phương pháp xử trí, động tác khẩn trương, dứt khoát thì sẽ rút ngắn thời gian mổ, bệnh nhân bớt chảy máu và phục hồi sức khỏe tốt hơn. Nhiệm vụ của Khoa Ngoại 2 là phát triển theo hướng chuyên sâu về phẫu thuật thần kinh sọ não, cột sống, lồng ngực, mạch máu. Những kỹ thuật này đều rất phức tạp, yêu cầu độ chính xác đến từng milimet, từng giây phút đều trở nên quý giá để giành giật bệnh nhân từ tay tử thần. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình mổ cũng có thể để lại di chứng sau này cho bệnh nhân, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Với đại tá, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quý Thanh, Trưởng Khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình (Bệnh viện Quân y 7), để theo đuổi và gắn bó với nghề y, đòi hỏi các y, bác sĩ phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn. Việc học tập không chỉ dừng lại ở lý thuyết, sách vở mà quý giá nhất chính là những bài học từ thực tế. Hàng chục năm cầm dao mổ nhưng chưa bao giờ bác sĩ Thanh chủ quan dù là trước ca mổ đơn giản. Bởi cùng là áp dụng một kỹ thuật nhưng mỗi bệnh nhân lại có cơ địa, tình trạng sức khỏe, phản ứng cơ thể khác nhau. Vì thế, bác sĩ Thanh dành nhiều thời gian để tìm đọc tài liệu chuyên môn trong và ngoài nước, để bước vào phòng mổ với phong thái tự tin, sẵn sàng đối phó với những bất trắc có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.
Phần thưởng quý giá
Hiện nay, Khoa Ngoại 2 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã hình thành ê kíp phẫu thuật đảm nhiệm được hầu hết các phẫu thuật theo phân tuyến và nhiều phẫu thuật vượt tuyến như phẫu thuật máu tụ trong não, máu tụ dưới màng cứng; phẫu thuật cột sống, lồng ngực; phẫu thuật vết thương tim, vết thương mạch máu lớn trong ngực… Với mỗi kỹ thuật mới, phức tạp, được sự giúp đỡ của các giáo sư đầu ngành, bác sĩ Trung đều trực tiếp thực hiện và truyền dạy cho đội ngũ y, bác sĩ trong khoa. Không ngại khó khăn, vất vả, không kể đêm hôm khi có bệnh nhân nặng, những ca bệnh khó thuộc lĩnh vực mình đảm trách ông đều kịp thời tham gia điều trị và phẫu thuật. Ông đã được nhận Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" do Bộ trưởng Y tế trao tặng, Bằng khen của UBND tỉnh, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, Bàn tay vàng…
Trong số rất nhiều ca mổ đã thực hiện, đại tá, bác sĩ Nguyễn Quý Thanh ấn tượng nhất về trường hợp cấp cứu cho một bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Khi vào bệnh viện, bệnh nhân đã ở trong trạng thái hôn mê, các bác sĩ phải nhanh chóng tiến hành mổ cấp cứu lấy máu tụ để giải phóng tổ chức não, tránh tình trạng bị chèn ép. Việc cầm máu cho bệnh nhân rất khó khăn, ca mổ nghẹt thở đến từng giây, nhất là khi huyết áp của bệnh nhân xuống tới ngưỡng 50/30 mmHg, bệnh nhân đã mấp mé giữa sự sống và cái chết. Lúc này, bác sĩ Thanh vừa động viên kíp mổ bình tĩnh xử trí, vừa kiên trì cầm máu. Từng thao tác xử lý của ông nhanh, dứt khoát, chuẩn xác. Với kiến thức chuyên môn dày dặn, sự bình tĩnh, can trường đầy chất lính, ông đã cùng ê kíp giúp bệnh nhân trở về từ cửa tử. Đó chỉ là một trong khoảng 40-50 ca phẫu thuật cực kỳ phức tạp mà bác sĩ Thanh thực hiện mỗi năm như thay khớp, tạo hình dây chằng chéo, chuyển gân…
Với những tay mổ cự phách như bác sĩ Trung, bác sĩ Thanh và nhiều bác sĩ phẫu thuật khác, phần thưởng giá trị nhất của họ không phải là những bằng khen, giấy khen, mà chính là lấy lại sức khỏe cho người bệnh. Giây phút ca phẫu thuật thành công, sức khỏe bệnh nhân ổn định, phục hồi và tiến triển tốt, niềm vui, nụ cười của bệnh nhân và người nhà chính là phần thưởng quý giá, giúp họ có thêm động lực để tiếp tục làm tròn sứ mệnh của mình.
HUYỀN TRANG