Kết quả rà soát chức danh giáo sư, phó giáo sư: Sẽ báo cáo Thủ tướng vào ngày 1.3

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 14:50, 28/02/2018

Chiều 27.2, tại Hà Nội, Hội đồng Chức danh giáo sư (HĐCDGS) nhà nước đã họp tổng kết kết quả rà soát GS, PGS năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 8.2.


Một buổi lễ trao chứng nhận tiêu chuẩn đạt chức danh giáo sư

Theo thông tin của Báo Lao Động, sau khi rà soát, trong số những người được công nhận giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2017 đã có ứng viên bị phát hiện chưa đủ tiêu chuẩn theo các quy định hiện hành.

Có ứng viên PGS thiếu tiêu chuẩn?

Thời gian phiên họp HĐCDGS diễn ra khoảng 2 giờ đồng hồ. Kết thúc phiên họp, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng HĐCDGS ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - thông tin, HĐCDGS nhà nước đã họp bàn và thống nhất kết quả rà soát. Nội dung kết quả rà soát tổng thể sẽ được Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch HĐCDGS nhà nước Phùng Xuân Nhạ trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 2 vào thứ 5 tới đây (tức ngày 1.3).

Tuy chưa có thông tin chính thức, tuy nhiên, theo nhiều HĐCDGS ngành, liên ngành cho biết, vẫn bảo toàn kết quả ban đầu sau khi rà soát. GS.TSKH Hà Huy Khoái - Chủ tịch HĐCDGS ngành Toán học - cho biết, hội đồng này đã rà soát chất lượng GS, PGS từ ngày 9.2. Số lượng đạt chuẩn không có gì thay đổi so với quyết định ban đầu. Theo đó, toàn bộ quy trình xét duyệt hồ sơ được thực hiện online, ủy viên hội đồng từng thẩm định hồ sơ nào thì xem lại hồ sơ của mình. Đồng thời, chủ tịch và phó chủ tịch thường trực cũng có thể thẩm định kiểm tra thuận lợi.
Chỉ duy nhất có 1 nguồn tin cho biết, đã phát hiện ra có sai sót trong việc công nhận chức danh PGS đối với 1 ứng viên đang công tác tại 1 đại học lớn thuộc khối tự nhiên tại TPHCM. Theo nguồn tin này, nguyên nhân được đưa ra là thiếu tiêu chuẩn hướng dẫn học viên cao học. Sau khi phát hiện ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn PGS, hồ sơ ứng viên sẽ được chuyển lên HĐCDGS Nhà nước để xem xét.

Với những trường hợp này, nếu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch HĐCDGS nhà nước Phùng Xuân Nhạ trong công văn chỉ đạo thì sẽ “kiên quyết không công nhận”.

Theo GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - kết quả này cũng sẽ mất lòng tin của giới trí thức và giới khoa học, bởi phần nhận định về giữ nguyên kết quả thẩm định như ban đầu chiếm giữ nhiều hơn. Còn TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT- cho biết, khi đã phát hiện sai phạm thì cần công bố công khai và quy trách nhiệm rõ ràng, không thể để tình trạng HĐCDGS nhà nước “đổ” cho HĐCDGS ngành, liên ngành, còn sau đó lại do hội đồng cơ sở được.

Bổ sung cơ chế rà soát

Theo GS.TSKH Phạm Tất Dong, sở dĩ dư luận chưa tin tưởng về việc phong tặng chức danh và rà soát chức danh GS, PGS năm 2017 do có những hội đồng là ngành và liên ngành. Nên sẽ xuất hiện việc, các thành viên tham gia hội đồng chưa chắc đã hiểu rõ hết hồ sơ của ứng cử viên từng chuyên ngành. Bên cạnh đó là việc các HĐCDGS ngành, liên ngành tự rà soát cũng khó khách quan. Vì vậy, việc thẩm định, rà soát này cần thiết thành lập hội đồng lâm thời gồm những GS đầu ngành ở các trường đại học (ĐH), học viện, viện nghiên cứu, những GS ở nước ngoài có uy tín. Hội đồng lâm thời sẽ bao gồm những người không nằm trong Hội đồng ngành, liên ngành hiện tại; làm xong nhiệm vụ rà soát sẽ tự động giải thể.

Còn theo TS Hồ Bất Khuất - giảng viên Khoa báo chí Trường Đại học Vinh (Nghệ An) - cho rằng, trong quá trình ra soát ứng viên GS, PGS, không cần xem lại hồ sơ mà chỉ tập trung sát hạch ngoại ngữ là đủ. Bởi đây là yếu tố được nghi ngờ khá nhiều.

Theo Lao động