Người đi bộ gây tai nạn: Vô can

Tin tức - Ngày đăng : 06:26, 02/03/2018

Theo quy định, người đi bộ là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 15 năm. Nhưng để xử phạt các trường hợp này lại không dễ.

Người đi bộ sang đường bất chấp nguy hiểm là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông

Tiện là đi 

Sáng nào chị Th. cũng chở 2 con bằng ô tô đến Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (TPHải Dương). Đỗ xe cạnh vỉa hè, 2 tay chị Th. dắt 2 cháu bé băng qua đường Đỗ Ngọc Du để vào trường. Chờ con đi qua cổng, chị Th. tiếp tục đi bộ quay ngược lại để sang đường. 

Không chỉ tại các cổng trường mà bất cứ đoạn đường nào ở thành phố hay nông thôn cũng dễ bắt gặp người đi bộ qua đường thiếu quan sát. Nhiều người còn chạy vụt qua giữa các làn xe khiến người điều khiển ô tô, mô tô... giật mình phanh gấp. 

Ở các nút giao thông hoặc điểm mở tại dải phân cách, tình trạng người đi bộ sai quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cũng diễn ra phổ biến. Mặc dù ở những vị trí này đều có sơn vạch kẻ đường dành cho người đi bộ song không mấy người đi qua mà cứ tiện đâu đi đấy. Hầu như người dân không chú ý đến đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ nên sẵn sàng băng qua đường bất kỳ lúc nào. Điều đáng nói nếu không may xảy ra TNGT thì hầu như người đi bộ vô can, hậu quả do người điều khiển ô tô, mô tô, xe máy phải gánh chịu.

Từng nhiều năm làm công tác an toàn giao thông (ATGT), ông Vũ Đức Hạnh, Trưởng Phòng Pháp chế - An toàn (Sở Giao thông vận tải) khẳng định lâu nay việc bảo đảm ATGT cho người đi bộ hoặc người đi bộ phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ hầu như không được chú ý. Điều này rất nguy hiểm vì người đi bộ cũng là người tham gia giao thông. Rất nhiều trường hợp đã bị thương, tử vong do người đi bộ gây TNGT.

Theo thống kê của Văn phòng Ban ATGT tỉnh, từ năm 2016 đến hết tháng 2.2018, toàn tỉnh xảy ra 370 vụ TNGT làm 373 người chết, 149 người bị thương. Trong đó có 41 vụ liên quan đến người đi bộ (chiếm 11,08%), làm 40 người chết (10,72%), 11 người bị thương (7,38%). Số vụ TNGT liên quan đến người đi bộ và trường hợp tử vong có chiều hướng tăng. Riêng 2 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNGT liên quan đến người đi bộ khiến 5 người chết (đều chiếm 21,74% tổng số vụ, tổng số người chết).

Khó xử lý

Từ trước đến nay, cả nước mới chỉ đưa được 2 trường hợp người đi bộ qua đường gây hậu quả nghiêm trọng ra xét xử với mức án thấp. Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 đều quy định rõ ràng về mức phạt tiền, phạt tù tương ứng đối với các hành vi do lỗi của người đi bộ qua đường gây ra. Nhưng một số ý kiến cho rằng Luật Giao thông đường bộ hiện còn quy định chưa thống nhất về nơi người đi bộ được phép sang đường. Ví dụ có chỗ quy định: "Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn". Nhưng có chỗ lại quy định: "Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường". Nghĩa là người đi bộ được phép đi qua đường ở bất cứ chỗ nào. Vì vậy, việc xác định người đi bộ sang đường đúng chỗ hay không gặp khó khăn. Khi không may xảy ra tai nạn thì mới xét đến các yếu tố khác như người đi bộ có chú ý quan sát không, tại nơi tai nạn có vạch kẻ đường không, người đi bộ có đi trên vạch kẻ đường không... Ngoài ra, việc xử lý người đi bộ sai luật gặp khó còn do vi phạm quá tràn lan nên lực lượng chức năng không kiểm soát hết được.

"Người đi bộ sai luật đang là vấn đề nan giải, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, ATGT. Để giảm tình trạng này, trước hết người đi bộ phải tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn cho mình và cho người khác. Việc xử lý vi phạm cũng cần thực hiện nghiêm, có tính răn đe. Để giúp người đi bộ đúng nơi quy định thì việc xử lý vi phạm vỉa hè, lòng đường cần được các địa phương quan tâm hơn", ông Vũ Đức Hạnh nhấn mạnh.

TIẾN HUY

Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt từ 60.000 - 80.000 đồng nếu người đi bộ vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn. Cảnh cáo hoặc phạt từ 50.000 - 60.000 đồng nếu người đi bộ không đi đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường...

Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 quy định người đi bộ sai quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7-15 năm: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên...