Diện mạo mới của khu di tích Côn Sơn
Di tích - Ngày đăng : 22:25, 02/03/2018
Tam quan nội và 2 dãy hành lang trước chùa mới được tu bổ, tôn tạo
Điểm nhấn tam quan nội
Cách đây khoảng nửa năm, dọc 2 bên đường vào chùa Côn Sơn có tới 105 hàng quán dịch vụ, ăn uống. Mỗi khi du khách về trẩy hội, người bán hàng, thợ chụp ảnh lại ùa ra chèo kéo, mời mọc rất lộn xộn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự tôn nghiêm của di tích. Tam quan chùa Côn Sơn bị xuống cấp nghiêm trọng với mái ngói xập xệ, cột, rui, hệ thống rường mối mọt, các trụ biểu và tường đều bị nứt, bào mòn...
Sau lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2017, tỉnh ta quyết tâm khắc phục những hạn chế này. Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục thuộc di tích chùa Côn Sơn giai đoạn 2017 - 2020, tất cả hàng quán được di chuyển ra vị trí mới (nằm cạnh bến xe) để trả lại sự thông thoáng, thanh tịnh chốn cửa thiền. Nền đất cũ của hệ thống hàng quán được láng bê tông, xây bồn hoa, trồng thêm cây xanh, đặt ghế đá cho du khách nghỉ chân.
Đặc biệt, tỉnh đã tiến hành tu bổ, tôn tạo công trình tam quan nội với vật liệu chủ đạo là gạch chỉ và gỗ lim. Tam quan này thiết kế theo kiểu chữ “nhất”, dài 13,6 m, rộng 8,1 m, gồm 5 gian, 2 tầng mái. Phía sau tam quan nội là khoảng sân rộng, 2 dãy hành lang, mỗi bên 18 gian rộng 3,9 m, tường xây gạch chỉ, nền lát gạch bát, mái lợp ngói, cột và vì kèo làm bằng gỗ lim. Ban Quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã khéo léo sắp xếp, bài trí trong khuôn viên chùa Côn Sơn thêm 90 cây cảnh; treo hàng trăm cờ phướn, đèn lồng, hệ thống điện… làm cho không gian chốn cửa thiền thêm rực rỡ, linh thiêng.
Tại lễ hội mùa xuân năm nay, phía trước tam quan nội chùa Côn Sơn sẽ là nơi tổ chức nghi lễ quan trọng nhất: Đó là lễ khai hội và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia Côn Sơn tư phúc tự bi là bảo vật quốc gia diễn ra ngày 3.3 (16 tháng giêng). Đây cũng là nơi diễn ra các nghi lễ Phật giáo quan trọng. Tam quan nội có lầu chuông, gác trống dùng để báo hiệu những thời khắc quan trọng như giao thừa, lễ Mông Sơn thí thực, lễ rước nước, kính cáo với trời đất, Phật, thánh, cầu quốc thái dân an, siêu sinh tịnh độ cho chúng sinh... Kiến trúc tam quan liên hoàn với hai dãy hành lang tạo thành bình đồ kiến trúc nội công ngoại quốc. Công trình này vừa mang giá trị nghệ thuật Phật giáo, vừa phù hợp với cảnh quan kiến trúc chung của chùa Côn Sơn.
Tiếp tục trùng tu, tôn tạo
Chùa Côn Sơn hiện nay có nhiều công trình rất giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa, lịch sử như tam quan nội, 2 dãy hành lang trước chùa, tòa Cửu phẩm Liên hoa, nhà tổ đường, nhà hậu đường... Tuy nhiên, so với ngôi chùa xưa được ghi trong sử sách và bia ký thì chùa Côn Sơn hiện tại vẫn còn nhiều công trình chưa được khôi phục. Giai đoạn 1978 - 2015, Bảo tàng tỉnh, Viện Khảo cổ học và Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã nhiều lần khai quật nghiên cứu khảo cổ tại khu vực tháp tổ Huyền Quang, giếng Ngọc, phía sau nhà tổ, sân chùa, tam quan nội... Kết quả đã tìm thấy rất nhiều dấu tích nền móng kiến trúc, gạch ngói và các họa tiết hoa văn bằng gốm nung thời Trần, thời Lê của các công trình cổ đã được ghi trong bia ký lưu giữ ở chùa Côn Sơn. Ngoài những công trình đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo thời gian qua thì chùa Côn Sơn còn thiếu các hạng mục vốn đã từng tồn tại như tháp đất nung thời Trần, lầu thờ Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát... Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục thực hiện dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và xây mới một số hạng mục công trình dựa trên cơ sở khoa học và kết quả khai quật khảo cổ học như lầu thờ Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát, giếng Ngọc, sân giếng và đường nối từ sân giếng lên lầu thờ Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát...
Tu bổ, tôn tạo các công trình của chùa Côn Sơn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đồng thời làm tăng giá trị thẩm mỹ, công năng sử dụng, phục vụ hiệu quả việc tổ chức lễ hội, nghiên cứu, học tập, phát triển du lịch.
TIẾN MẠNH