Mô hình châm cứu điểm của cả nước
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:50, 03/03/2018
Trạm Y tế xã Đoàn Tùng thu hút nhiều bệnh nhân đến điều trị bằng phương pháp châm cứu
Từ khi triển khai đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến xã.
Hiện nay, phương pháp châm cứu được triển khai trong điều trị các bệnh về thần kinh, xương khớp, tuần hoàn não và nhiều bệnh mạn tính khác với hiệu quả cao, chi phí thấp, ít tác dụng phụ. Với những ưu điểm này, tháng 7.2017, Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bệnh viện Châm cứu Trung ương và Sở Y tế phối hợp triển khai mô hình "Nâng cao năng lực khám chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu tại trạm y tế xã" ở huyện Thanh Miện. Tháng 8.2017, lớp bồi dưỡng châm cứu cho cán bộ y tế tuyến cơ sở được khai giảng với khoảng 50 học viên là cán bộ trạm y tế xã, thị trấn, phòng y tế, trung tâm y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện dưới sự hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" của các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu đến từ Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Sau khi nắm bắt được những lý thuyết cơ bản, các học viên được thực hành ngay tại trạm y tế dưới sự chỉ bảo tận tình của các giảng viên.
Ngoài đào tạo chuyên môn, Cục Quản lý y dược cổ truyền còn trao tặng 38 máy điện châm, 38 đèn hồng ngoại, kim và tranh châm cứu cho 19 trạm y tế xã, thị trấn của huyện Thanh Miện.
Sau gần 3 tháng học và thực hành, đội ngũ y, bác sĩ đã có thể chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu tại trạm y tế. Đến nay, đã có 4 trạm y tế áp dụng châm cứu vào điều trị bệnh là: Đoàn Tùng, Ngũ Hùng, Chi Lăng Nam và Cao Thắng. Trạm y tế các xã này đều thu hút đông bệnh nhân đến châm cứu với trung bình khoảng 180 người/tháng.
Xã Đoàn Tùng có khoảng 1.200 người cao tuổi, trong đó có khoảng 60-70% mắc các bệnh mạn tính nên nhu cầu khám, chữa bệnh rất lớn. Trước đây, ông Nguyễn Trọng Phô (79tuổi) ở thôn Thúy Lâm thường xuyên bị đau mỏi cổ, vai, gáy. Thậm chí nhiều khi ông còn không thể ngoảnh cổ hoặc cúi đầu. Những cơn đau đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt, khiến ông thường xuyên mất ăn, mất ngủ. Khi biết trạm y tế xã triển khai phương pháp châm cứu, ông Phô đã tới điều trị. Chỉ sau vài ngày, tình trạng sức khỏe của ông đã được cải thiện rõ rệt, các cơn đau mỏi xương khớp dần hết, ngủ ngon và sâu hơn. Ông Phô phấn khởi: "Tôi thấy châm cứu tại trạm y tế rất tốt, người bệnh không phải lên tuyến trên nên giảm được nhiều chi phí đi lại".
Từ ngày đưa châm cứu vào khám, chữa bệnh, Trạm Y tế xã Ngũ Hùng thu hút đông bệnh nhân hơn hẳn. Không chỉ người dân trong xã mà những bệnh nhân ở các xã lân cận như Tứ Cường, Chi Lăng Bắc cũng tới đây để khám, chữa bệnh. Bác sĩ Phạm Quang Viên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ngũ Hùng cho rằng phương pháp châm cứu thu hút nhiều bệnh nhân là do hiệu quả cao, không phải dùng thuốc lại ít tác dụng phụ hơn phương pháp chữa bệnh bằng tây y, trong khi chi phí bỏ ra không nhiều. Việc chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu đã góp phần làm tăng tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã từ 20% lên hơn 30%.
Từ hiệu quả châm cứu tại trạm y tế của 4 xã nêu trên, thời gian tới, phương pháp này sẽ được huyện Thanh Miện áp dụng tại tất cả các trạm y tế xã, thị trấn còn lại. Đây là một việc làm cụ thể hưởng ứng chủ trương hướng về cơ sở của Bộ Y tế.
HUYỀN TRANG