Đi xem hội

Các em viết - Ngày đăng : 15:48, 04/03/2018

Đền thờ của làng bên khai hội đúng chủ nhật. Bố dắt xe máy ra cổng, dặn lại tôi: “Cứ ở nhà học bài, gần trưa bố sẽ về lai đi xem hội”.

Đền thờ của làng bên khai hội đúng chủ nhật. Bố dắt xe máy ra cổng, dặn lại tôi: “Cứ ở nhà học bài, gần trưa bố sẽ về lai đi xem hội”. Tôi ngồi vào bàn học, bài vở ít nên chẳng mấy chốc đã làm xong. Tôi đi ra cổng, thấy mấy đám trẻ con rủ nhau đi xe đạp tắt qua cánh đồng sang xem hội, tôi nôn nóng muốn đi ngay. Thằng Cò rủ đi cùng nó, tắt qua cánh đồng nhanh lắm. Thế là tôi gật ngay, đuổi theo bọn chúng, bụng bảo dạ, đi sang xem một lúc rồi về cũng kịp, bố mẹ chẳng biết đâu.

Đến gần khu di tích đã thấy hàng quán, người xe đi lại, cười nói nhộn nhịp, tôi theo mấy đứa bạn hòa chung vào dòng người đi hội. Hàng quán ràn rạt hai bên đường làng dài tới tận cổng đền, các trò chơi có đông người tụ tập. Trước mắt tôi là gian trò chơi ném tiêu, một anh thanh niên đang cầm tiêu ném, ba cái trúng cả ba, được tặng một chú gấu nhỏ dễ thương. Rồi đến gian câu cá dành cho các em nhỏ, phía dưới hồ là trò chơi đi cầu kiều, những cậu bé đi nhoàng nhoàng rồi ngã tùm xuống hồ khi sắp chạm được lá cờ. Thằng Cò đang đứng trước một hàng kẹo bông nuốt nước bọt, tôi thì dán mắt vào món xoài dầm, tờ tiền hai mươi nghìn đồng như đang ngọ nguậy trong túi nhưng tôi vẫn chưa muốn động đến nó, còn nhiều trò hấp dẫn chờ tôi ở phía trong. 

Đi qua những quán hàng bán đồ chơi, vào sâu trong sân đền, dưới gốc nhãn cổ thụ, tôi thấy cảnh vài ông đồ trải chiếu ngồi dưới sân cho chữ, bèn rủ thằng Cò lại xem. Có một chị xinh đẹp đang xin một chữ gì đó của thầy đồ mà tôi không biết nghĩa là gì, chỉ thấy thầy đang đưa cây bút lông viết rất đẹp, đúng như là rồng múa phượng bay tựa bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên mà tôi vừa học. 

Góc phía trái đền là một khoảng đất trống, rồi đến cái giếng cổ, thằng Cò nghe có tiếng ồn ào ở đó và kéo tôi lại. Thì ra đó là một sới chọi gà. Tôi nhận ra thằng An và gà của nó đang chuẩn bị vào chọi với con gà của anh Tú làng bên. An nhìn thấy hai bọn tôi khẽ cười. An là bạn học cùng lớp, nhà An có nuôi và bán gà chọi. Tôi không ngờ An có một con gà chọi dũng mãnh như thế. Lông nó màu tía pha đen, mắt mỏ trông dữ dội không kém gì gà chọi của những anh lớn tuổi. Nhiều người xôn xao chỉ trỏ, Cò nói khẽ: "Họ cược gà thằng An thắng gà anh Tú kìa". Nhìn theo tay Cò, tôi thấy mấy người xem chọi gà đang chìa những tờ tiền xanh, đỏ ra cược thật. Rất nhiều người chỉ vào con gà của An, cũng có người cược cho con gà đối phương. Thằng Cò rút tờ mười nghìn ra đưa cho lão Do - chủ sới. Tờ hai mươi nghìn trong túi tôi như đang mọc ngón tay cù vào cạnh sườn. Lời thằng Cò tỉ tê ngọt ngào, năm ngoái con này thắng cả ba trận đấy, chỉ sau sới chọi, nó sinh lãi năm lần đấy. Năm lần thì tôi có thể mua được nhiều đồ ăn, cả đồ chơi, súng bắn nước và chơi phi tiêu, thế là tôi rút tờ hai mươi nghìn, số tiền để dành ăn sáng cược cho con gà của An thắng.

Tiếng còi tuýt lên, hai con gà lao vào nhau, trận đấu kịch tính trong tiếng trống đánh tùng tùng, sau một hồi đá đấu, bỗng con tía đen của An mất cảnh giác, bị một cước móc đúng hầu, lảo đảo ngã gục. An tái mặt, mọi người hồi hộp, nhưng sau một hồi, con tía đen vẫn nằm gục, tiếng lão Do cất lên: "Con tía đen thua rồi". Tôi tái mặt, thằng Cò cũng không nói được câu nào. Nhiều người chen chúc vào đòi tiền thắng, nhiều người mắng không tiếc lời An và con gà chọi vì họ cược vào nó. Có người còn định giơ tay đánh An, nhưng có tiếng nói “Chỉ là chọi gà, thắng thua là thường, sao đi bắt nạt đứa trẻ con thế!”. Tiếng nói giải thoát cho nó và con gà. Tôi nhận ra giọng bố tôi, đúng lúc bố vừa lách đám đông đi tới, mặt tôi tái đi. Bố vẫy ba đứa chúng tôi lại, tôi lí nhí: “Con... con... xin lỗi bố...”. Bố ôn tồn nói: “Lần sau, con không được tự ý đi mà chưa được sự đồng ý của bố mẹ, cũng không được cá cược cái gì”. Tôi cúi đầu nhận lỗi. 

Bố dẫn chúng tôi tới hàng bánh rán, kẹo bông, xoài dầm trước cổng, mỗi đứa được chọn một món mình thích. Bố bảo: "Từ từ vừa ăn, vừa đi xem hội thôi nào...".

NGUYỄN TIẾN HƯNG (Lớp 8A, Trường THCS Cẩm Định, Cẩm Giàng)