Cha mẹ khó tính, con chịu thiệt

Xã hội - Ngày đăng : 13:03, 05/03/2018

Trong cuộc sống, khi bố mẹ khắt khe, áp đặt mọi chuyện đối với con cái đã trưởng thành sẽ làm sứt mẻ tình cảm gia đình, khiến cuộc sống của con cái chịu nhiều thiệt thòi.


Ông bà, bố mẹ, con cháu cần cảm thông với nhau để có những giây phút quây quần ấm áp trong cuộc sống

Có nhà không được ở

Hơn một năm nay, vợ chồng chị Hoàng Thị H. ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) phải thuê nhà trọ để ở. Nguyên nhân là do khi sống cùng nhà, bố chồng chị H. luôn khắt khe trong mọi chuyện. Mấy năm nay cũng vì bố chồng quá khắt khe nên mẹ chồng chị H. đã quyết định đi làm ăn xa. Thỉnh thoảng bà mới ghé về thăm nhà vài ngày rồi lại đi ngay. Thời gian trước khi sinh con nhỏ, suốt ngày ở nhà nên chị H. còn có thời gian phục vụ bố chồng. Nhưng từ ngày chị đi làm thì không thể đáp ứng được yêu cầu đó nữa. Chị H. thường phải đi bán hàng từ đầu giờ chiều đến 8 giờ tối mới về. Mỗi khi về, bố chồng chị lại lời ra tiếng vào nói rằng ông không chịu đựng được việc phải đợi con đến muộn mới được ăn cơm. Chị H. nhắc bố ăn cơm trước thì ông lại mắng vì chị không về sớm chuẩn bị cơm nước cho cả nhà. Chị H. có trình bày lý do vì công việc không cho phép thì ông lại gạt đi. Ông bảo đã ở nhà này thì phải nghe theo sự sắp đặt của ông. Vì vậy, vợ chồng chị H. đành phải thuê nhà ở riêng trong khi bố chồng chị một mình ở trong căn nhà 3 tầng rộng rãi. 

Hoàn cảnh của anh Nguyễn Đình P. ở xã Kim Xuyên (Kim Thành) cũng rất éo le. Mẹ đẻ anh P. vốn bị bệnh không thể làm việc nặng. Vì vậy, khi vợ chồng anh P. sinh con phải nhờ bà ngoại ở cùng xã đến trông cháu. Mẹ vợ anh P. vốn là người khó tính, khắt khe trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, cuộc sống chung đụng với nhiều người khiến bà khó chịu ra mặt. Chỉ ở được một thời gian ngắn bà đã đòi về nhà mình. Bà ra điều kiện với anh P. nếu muốn nhờ bà trông cháu thì phải đến nhà bà ở. Không còn cách nào khác nên anh P. đành phải nghe theo lời bà. Theo chia sẻ của anh P., cuộc sống ở nhà mẹ vợ chẳng khác nào "chó chui gầm chạn" giống như các cụ thường ví von với những người đi ở rể. Đáng nói là vợ chồng anh P. phải lo kinh tế để chăm lo cuộc sống đầy đủ cho mẹ vợ, nhưng lại không được bà chia sẻ. Bà thường kể công chăm cháu và hay đòi hỏi về kinh tế đối với vợ chồng anh P. 

Không "xa mặt" nhưng vẫn "cách lòng"

Đến bây giờ dù không còn ở chung nữa nhưng mỗi lần nhắc đến những năm tháng ở cùng mẹ đẻ, chị Nguyễn Thị Th. ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) vẫn đầy ấm ức. Chị Th. cũng thừa nhận rằng chị đã bị tổn thương về tinh thần. Mẹ chị Th. vốn rất khó tính. Từ nhỏ chị đã phải chịu sự quản thúc rất chặt chẽ của mẹ. Đỉnh điểm là lúc trưởng thành, chị bị vấp ngã trong chuyện tình cảm. Từ ấy, chị Th. thu hẹp các mối quan hệ của mình và chỉ quanh quẩn ở nhà với mẹ. Khi con gái mắc sai lầm, mẹ chị Th. không những không là chỗ dựa để chị vượt qua mà lại coi đó là cái cớ để ngày ngày đay nghiến chị. Chị Th. kể lại: "Cứ hễ nhìn thấy tôi là mẹ lại đay nghiến. Tôi không hiểu tại sao mẹ lại khó tính đến thế. Cái gì mẹ cũng áp đặt phải làm theo ý mẹ. Nhiều khi tôi chỉ mong thời gian đi làm ở ngoài kéo dài mãi để không phải về nhà".

Hiện nay có không ít gia đình lâm vào hoàn cảnh này. Nguyên nhân lớn nhất có thể do bố mẹ, ông bà là những người từng trải qua thời kỳ "bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Sự áp đặt ấy đã ngấm vào suy nghĩ của những người thuộc thế hệ trước. Nhưng ngày nay xã hội đã phát triển, suy nghĩ ấy có nhiều điểm không còn phù hợp nữa. Những đứa con khi không chấp nhận nổi sự áp đặt khắt khe của bố mẹ đã có nhiều lựa chọn, tự lập trong cuộc sống. 

Ông Phạm Quang Sản, Phó Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết ngày nay mô hình gia đình "tam đại đồng đường", nghĩa là 3 thế hệ sống chung trong một mái nhà đang ngày càng ít đi. Mấy năm gần đây, những gia đình được công nhận danh hiệu "Ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền" chỉ chiếm khoảng 1,5% số gia đình trong toàn tỉnh. Bên cạnh nguyên nhân do công việc con cái phải đi làm ăn xa, thì chính sự không dung hòa được giữa các thế hệ là mấu chốt vấn đề. Nếu ông bà không mẫu mực, không thông cảm, chia sẻ mọi việc thường ngày trong cuộc sống với các con thì kết cấu gia đình rất dễ bị phá vỡ.   

Để gìn giữ gia phong, nếp nhà thì những người làm cha mẹ, ông bà phải là tấm gương để con cháu noi theo. Đặc biệt, khi con cái đã trưởng thành, bố mẹ không nên áp đặt suy nghĩ cá nhân của mình, cần để cho các con thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Bố mẹ chỉ nên quan tâm, nhắc nhở những việc làm sai trái của con cái. Những người làm con khi rơi vào hoàn cảnh này cũng nên thông cảm với tính cách và suy nghĩ khắt khe của bố mẹ. Trong cuộc sống hằng ngày nên từng bước phân tích và chứng minh cho bố mẹ thấy bằng những việc làm đúng đắn của mình để không tổn hại đến tình thân gia đình.

NGỌC THANH