Nhận diện và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Bài 2: Những luận điệu phản động chống chế độ
Chính trị - Ngày đăng : 10:19, 06/03/2018
Cuối tháng 11.2017 Nguyễn Văn Hóa (sinh năm 1995, trú tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị tuyên phạt 7 năm tù giam vì đã đăng tải các thông tin bôi nhọ, xuyên tạc, nói xấu chính quyền, nói xấu Đảng trên mạng xã hội; kích động người dân tụ tập biểu tình, chống đối chính quyền
Đảng ta đã kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước nên đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn, qua quá trình đổi mới, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, kinh tế phát triển còn chưa vững chắc. Lĩnh vực xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc đòi hỏi phải được tiếp tục quan tâm giải quyết.
Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch gia tăng chống phá nước ta trên mọi lĩnh vực, bằng những phương thức, thủ đoạn hết sức nham hiểm, tinh vi.
Sự chống phá của các thế lực thù địch về nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung ở 7 nội dung cơ bản:
Một là, tấn công vào nền tảng tư tưởng. Các thế lực thù địch tung ra đủ thứ lý luận nhằm bác bỏ chủ nghĩa cộng sản như du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử vì chủ nghĩa Mác-Lênin là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc. Chúng cho rằng lý luận Mác-Lênin chỉ giải quyết vấn đề đấu tranh giai cấp, còn tư tưởng Hồ Chí Minh giải quyết đấu tranh dân tộc thuần túy, không thể áp đặt mẫu học thuyết Mác-Lênin vào Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế thị trường.
Hai là, phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng Hồ Chí Minh chỉ tiếp thu mù quáng chủ nghĩa Mác-Lênin chứ không hề có tư tưởng cao siêu. Từ đó chúng phát động chiến dịch bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng gọi là chiến dịch "hạ bệ thần tượng". Gần đây chúng tung lên luận điệu "No Ho" phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc công lao, sự nghiệp vĩ đại của Bác.
Ba là, phủ định các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng đưa ra luận điệu hình thái kinh tế - xã hội chỉ là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được, sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô là một tất yếu, được dự báo trước. Chúng còn nói chủ nghĩa xã hội đặt xã hội lên trên cá nhân chỉ là đề cao một số người đang nắm quyền trong xã hội đó.
Tấn công vào đường lối của Đảng, các thế lực thù địch cho rằng không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản. Không ít kẻ đã lớn tiếng rằng "Những ước mơ của chủ nghĩa xã hội thì chính chủ nghĩa tư bản đã thực hiện rồi, người ta có thể dễ dàng tìm thấy ở chủ nghĩa tư bản những lời giải đáp đầy đủ cho mọi vấn đề được đặt ra trong đời sống loài người".
Bốn là, một số người không phủ nhận hoàn toàn tính chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội nhưng lại phê phán Mác về luận điểm đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội, cho rằng những luận điểm này làm nghèo đi những hình thức tiến hóa của xã hội, khuyến khích thù hận, mâu thuẫn, đấu tranh giai cấp liên miên. Dựa vào một số "cải cách" ở các nước tư bản và nhất là dựa vào các mô hình xã hội - dân chủ Thụy Điển, Phần Lan, chúng nói từ chủ nghĩa tư bản tiến sang chủ nghĩa xã hội không nhất thiết phải thông qua cách mạng xã hội mà cứ cho nó phát triển tự nhiên, qua mở rộng dân chủ, đấu tranh nghị trường để nhân dân tự lựa chọn chế độ chính trị mới.
Năm là, về sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân. Chúng tung tin giai cấp công nhân chỉ là những người có học vấn thấp, những lãnh tụ của giai cấp công nhân cũng thường có trình độ văn hóa không cao, "lại được đào luyện trong một lô gíc chuyên chế bạo ngược", cho nên chỉ có thể lật đổ chế độ cũ, chứ không thể lãnh đạo toàn dân xây dựng được một xã hội mới tốt đẹp, nhất là trong thời đại khoa học phát triển.
Sáu là, phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phê phán triệt để, bôi đen chủ nghĩa xã hội hiện thực, công khai ca ngợi con đường tư bản chủ nghĩa. Chúng cho rằng "đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là chắp vá, không tưởng". Gần đây có luận điệu xảo quyệt, thâm độc hơn như "con đường mà Việt Nam muốn đi là thứ tư bản chủ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng con đường này không thể thành công vì không thể nào giải quyết thỏa hiệp giữa hai chủ nghĩa đối lập với nhau".
Bảy là, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bôi nhọ lãnh đạo. Tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dịp Quốc hội phát động toàn dân góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp năm 2013, chúng đòi xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp. Các thế lực chống chế độ tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, phê phán nguyên tắc tập trung dân chủ, thậm chí có người còn đòi xóa bỏ nguyên tắc này. Chúng đưa ra luận điệu nguyên tắc tập trung dân chủ nay đã lỗi thời, chỉ thích hợp với hoạt động của Đảng khi chưa giành được chính quyền, còn hoạt động bí mật hoặc lãnh đạo chiến tranh.
Chúng kiến nghị đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng "Đảng chỉ nên lãnh đạo tư tưởng, đạo đức, lối sống và định hướng chung chung", "không lãnh đạo kinh tế, văn hóa, không lãnh đạo lực lượng vũ trang"... vì đó là công việc của Nhà nước. Đây là thủ đoạn dọn đường cho sự hình thành tư tưởng đa nguyên chính trị, phi chính trị hóa quân đội để vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng.
Theo Tổng cục An ninh (Bộ Công an), hiện nay ở bên ngoài có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, mạng internet, 429 tờ báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá ta. Hằng năm có hơn 3.000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng, 28.000 thư ân xá quốc tế xâm nhập, tán phát qua con đường bưu điện quốc tế dưới dạng quà cáp và gần 11.000 ấn phẩm được đưa vào bằng nhiều con đường khác. Các đài phát thanh RFI, VOA, BBC liên tục phát những tài liệu, các cuộc phỏng vấn những phần tử người Việt lưu vong ở nước ngoài để cắt xén, thổi phồng, xuyên tạc một số tài liệu ở trong nước đưa lên mạng đang phát tán rộng rãi nhằm kêu gọi cán bộ, đảng viên, nhân dân từ bỏ hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin...
Hơn 80 năm qua, Đảng ta luôn khẳng định công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái trực tiếp phục vụ cho việc lãnh đạo thực hiện những mục tiêu cao cả của sự nghiệp cách mạng. Đây là nhiệm vụ đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ, chỉ đạo chặt chẽ, huy động năng lực và trí tuệ của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nhằm giải quyết những vấn đề nảy sinh trong nhận thức, tình cảm, tư tưởng của nhân dân. Đấu tranh chống quan điểm sai trái cũng chính là sự khẳng định lập trường của Đảng và Nhà nước ta trước những biến động phức tạp trên thế giới và trong nước, từ đó củng cố nhận thức chính trị, giữ vững thế trận lòng dân, đưa sự nghiệp cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn.
ĐỖ THỊ LAN