Bảo vệ môi trường các khu di tích mùa lễ hội
Xã hội - Ngày đăng : 06:15, 08/03/2018
Đền Cao An Phụ luôn được quét dọn sạch sẽ
Nhiều nguy cơ ô nhiễm
Từ đầu xuân Mậu Tuất đến nay, lượng khách tới di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn) tăng vọt. Mỗi ngày, quần thể di tích này đón khoảng 1 vạn khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Phạm Hữu Quân, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn, lượng khách tăng dẫn tới nguy cơ ô nhiễm môi trường (ONMT) cao. Nguồn ô nhiễm là rác thải sinh hoạt, túi nilon, vỏ bánh kẹo, hoa quả… từ các hộ kinh doanh trước khuôn viên đền và hàng vạn du khách tham quan, lễ bái. "Di tích đền Cao An Phụ có diện tích khá lớn, rừng bao phủ. Đường từ bãi gửi xe lên sân đền khá dài, lại chạy qua vườn thực vật nên việc kiểm soát hành động xả rác của du khách gặp nhiều khó khăn", ông Quân nói.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc mỗi ngày cũng đón hàng vạn du khách, tạo áp lực về môi trường. Giống như đền Cao An Phụ, di tích Côn Sơn cũng có diện tích lớn, địa hình đồi núi phức tạp, xen lẫn dân cư nên việc kiểm soát hoạt động của du khách không dễ dàng. Di tích nằm trong rừng đặc dụng, nguy cơ cháy rừng xuất phát từ các hoạt động của du khách luôn ở mức cao. “Ý thức của nhiều du khách chưa cao, việc xả rác bừa bãi vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, bãi gửi xe và khu hàng quán, dịch vụ không thuộc sự quản lý của Ban quản lý di tích nên môi trường ở khu vực này chưa bảo đảm”, ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết. Theo quan sát của chúng tôi, ở các bãi xe số 1 và số3, rác thải do du khách xả ra chưa được chính quyền địa phương thu gom kịp thời. Tại khu dịch vụ, nước thải không được thu gom, xử lý xả thẳng xuống hệ thống thoát nước chung, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ONMT.
Nỗ lực làm sạch môi trường
Giảm ONMT, tạo cảnh quan xanh, sạch cho các khu di tích là nỗ lực của chính quyền địa phương và các Ban quản lý di tích trong tỉnh. Ông Lê Duy Mạnh xác định bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị đặc biệt của di sản. Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tập trung tuyên truyền, yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình hoạt động. In, phát tờ rơi tuyên truyền, vận động du khách nâng cao ý thức BVMT, không thắp nhang trong đền, không đốt lửa trong rừng. "Ban quản lý bố trí thêm nhân lực thường xuyên quét dọn, bổ sung thêm thùng rác tại các điểm thường xuyên phát sinh rác thải, mua thêm xe chở rác, tăng tần suất thu gom lên 2 lần/ngày, bố trí nhà vệ sinh dã chiến bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp trong khu di tích, tạo ấn tượng đẹp cho du khách”, ông Mạnh cho biết thêm.
Tại di tích đền Cao An Phụ, Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn bố trí thêm nhân lực, thiết bị thu gom, chứa, vận chuyển rác. Ông Phạm Hữu Quân cho biết năm nay, Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn giao cho đơn vị trúng thầu trông giữ xe, vận chuyển khách lên đền là Doanh nghiệp tư nhân Năm Thu có trách nhiệm bảo đảm vệ sinh tuyến đường từ bãi xe lên trước cổng tam quan. Vì vậy, tuyến đường bộ hành, đường dành cho xe ô tô đều luôn sạch sẽ. Tuyến đường dành cho người đi bộ được làm xuyên qua vườn thực vật, nguy cơ cháy rừng rất cao nên Ban Quản lý di tích thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở du khách có ý thức BVMT, tránh gây hỏa hoạn.
Tại khu di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức cho học sinh các trường học tổng vệ sinh toàn bộ khuôn viên và các công trình trong khu di tích. Kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn cử công nhân tham gia lao động tại khu di tích, tặng thùng rác, xe chở rác. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của một số doanh nghiệp, công tác BVMT tại các khu di tích của huyện Cẩm Giàng được bảo đảm, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.
VỊ THỦY