Phụ nữ giúp nhau làm giàu trên quê hương
Xã hội - Ngày đăng : 14:27, 08/03/2018
Từ khi tham gia mô hình trồng ổi sạch, gia đình chị Vũ Thị Toàn ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) có nguồn thu nhập ổn định hơn
Nhiều hình thức giúp đỡ
Năm 1993, gia đình chị Vũ Thị Can ở thôn Vĩnh Duệ, xã Đồng Quang (Gia Lộc) quyết định đấu thầu vùng chuyển đổi để đào ao thả cá với hy vọng thoát khỏi cảnh khó khăn. Do không có vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên gia đình chị Can nhiều phen lao đao. Hội Phụ nữ (HPN) xã Đồng Quang như chiếc phao cứu sinh đã đứng ra tín chấp cho chị Can vay các nguồn vốn ưu đãi. Chi hội Phụ nữ thôn Vĩnh Duệ cũng cho chị Can vay số tiền tiết kiệm của hội viên trong chi hội. Ngoài ra, chị Can thường xuyên được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây con. Hiện tại, khu chuyển đổi của gia đình chị Can rộng hơn 1 ha với 3 ao nuôi cá. Xen kẽ với khu ruộng trồng cỏ sạch nuôi cá là khu chuồng trại. Kinh tế gia đình chị Can đã ổn định, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Chị Can cho biết: "Ngày trước, gia đình tôi luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Nhờ được HPN xã và chi hội cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình đã vươn lên thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định".
Vốn là địa phương có thế mạnh về cây ổi nhưng trong nhiều năm người dân ở xã Liên Mạc (Thanh Hà) vẫn chưa thể làm giàu từ loại cây này. Một lần tình cờ gặp người thu mua ổi của một hệ thống siêu thị tại Hà Nội, chị Lương Thị Cúc (ở thôn Mạc Thủ 1, xã Liên Mạc) biết siêu thị này đang muốn tìm nguồn ổi sạch. Để cung cấp hàng liên tục thì gia đình chị không đảm đương được nên chị Cúc đã vận động các chị em ở địa phương tham gia trồng ổi sạch theo quy trình mới. Đây thực sự là một cuộc "cách mạng" đối với người trồng ổi quê chị vì phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, khác với nếp cũ. Lúc đầu nhiều hộ ngại không muốn theo, thậm chí có người còn cho rằng chị Cúc viển vông.
Không muốn bỏ qua cơ hội "vàng", chị Cúc mua xốp rải dưới đất trồng ổi để ngăn cỏ mọc, từ đó hạn chế phải dùng thuốc trừ cỏ, ảnh hưởng tới chất lượng quả ổi. Chị cũng chủ động mua phân bón cung cấp cho các hộ trong mô hình sử dụng theo phương thức trả chậm. Những hộ khó khăn được hỗ trợ về giá. Bà con cũng được hỗ trợ tiền mua túi xốp lưới để bọc ổi, trang bị nhiều đồ bảo hộ lao động, được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc ổi. Và điều quan trọng nhất là toàn bộ quả ổi được chị Cúc thu mua.
Đến nay đã có 20 hộ tham gia mô hình của chị Cúc với diện tích hơn 6 ha. Chị Vũ Thị Toàn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mạc Thủ 1 chia sẻ: "Tham gia mô hình này, chúng tôi không phải lo đầu ra sản phẩm. Giá thu mua thường cao hơn so với giá ngoài thị trường".
Đồng hành cùng hội viên
Theo HPN tỉnh, đến nay 100% số cơ sở hội trong tỉnh đều có các hình thức giúp hội viên vươn lên thoát nghèo như hỗ trợ giống, vốn, ngày công, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi... Trong năm 2017, các cấp HPN đã vận động 10.580 hội viên có điều kiện giúp đỡ 8.226 hộ phụ nữ khó khăn, phụ nữ nghèo vay vốn không lấy lãi, hỗ trợ vật tư sản xuất, cây, con giống. Qua đó đã có 305 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Các cấp hội đã phân công cán bộ hội thường xuyên theo dõi để có hình thức giúp đỡ phù hợp, đồng thời tiếp tục khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình. Các cấp HPN trong tỉnh đang quản lý hơn 2.355 tỷ đồng cho 112.846 lượt hộ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Các cấp hội phối hợp với các trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức 46 lớp đào tạo các nghề thủ công như may, móc, mây tre đan… cho 1.801 hội viên. Tiếp tục duy trì các tổ làm nghề thủ công tại các xã, thu hút gần 20.000 phụ nữ tham gia với thu nhập 1,5-5triệu đồng/người/tháng...
Được sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, gia đình chị Vũ Thị Can ở thôn Vĩnh Duệ, xã Đồng Quang (Gia Lộc) đã thoát nghèo bền vững
Tập trung vào các hoạt động giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, các cấp HPN trong tỉnh tiếp tục cử cán bộ hội giúp đỡ các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ với phương châm "chị em thiếu gì, yếu về mặt nào giúp mặt đó và giúp cho tới khi chị em thoát nghèo bền vững". Bên cạnh đó, các cấp hội tiếp tục thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" với các hoạt động tương trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế, hỗ trợ các địa phương thành lập 1-2 HTX do phụ nữ quản lý...
Với những mô hình mới, cách làm mới, chắc chắn HPN các cấp sẽ tiếp tục giúp được nhiều hội viên thoát nghèo vươn lên làm giàu.
THANH HOA