Đại biểu Quốc hội lo đánh thuế 45% tài sản bất minh sẽ 'mở đường rửa tiền'
Chính trị - Ngày đăng : 10:21, 11/03/2018
Thanh tra Chính phủ vừa đề xuất quy định mới trong dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tăng thêm mà không giải trình một cách hợp lý.
Theo đó, qua xác minh, nếu cơ quan chức năng kết luận tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ, công chức, viên chức lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.
Góp ý vào nội dung trên, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng trước hết xã hội không nên thành kiến hay vội vàng nghi ngờ những cán bộ, công chức giàu có. Bởi vì công chức trong điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường có nhiều cơ hội có tài sản gấp nhiều lần lương nhưng vẫn hợp pháp.
"Đừng nghĩ họ giàu có, cho con đi học nước ngoài mà nghĩ họ tham nhũng. Nhiều người giàu lên nhờ đầu tư thành công vào bất động sản, chứng khoán, hay hùn hạp làm ăn, do họ có sự nhạy bén, có kiến thức...", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Quốc hội TP HCM Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: V.V.T |
"Mở đường cho sai phạm về rửa tiền"?
Với đề xuất áp thuế 45%, ông Nghĩa bày tỏ không đồng tình, "tài sản mà công chức không giải trình được về nguồn gốc thì không thể đánh thuế như bình thường, vì thuế thu nhập cá nhân chỉ đánh trên thu nhập hợp pháp". Theo ông, hiện có việc truy thu thuế đối với người trốn thuế vì đó là thu nhập hợp pháp nhưng bị khai sai để trốn hoặc giảm thuế; nó khác với tài sản bất minh về nguồn gốc. Vì vậy, thu thuế trên tài sản mà công chức kê khai không trung thực như các loại tài sản hợp pháp khác là không hợp lý.
"Làm như đề xuất của thanh tra có thể mở đường cho những sai phạm về rửa tiền. Khi cán bộ, công chức giàu có bất thường và cố tình không khai báo, hay giải thích không hợp lý mà chỉ bị thu 45%, giữ lại 55% thì đây là điều khiến cho họ sẵn sàng vi phạm".
Vị đại biểu phân tích, các băng nhóm buôn lậu ma tuý, hàng lậu, tham ô hay ăn cắp của công sẽ sẵn sàng mượn tay cán bộ, công chức để rửa tiền hợp pháp với công thức "chịu đánh thuế 45% và giữ phần còn lại". Trong khi đó, đội ngũ công chức Việt Nam tới mấy triệu người, phần lớn thu nhập thấp, nhiều người không thể sống và nuôi gia đình chỉ bằng lương.
"Rửa tiền ngày nay không chỉ trong nước mà xuyên quốc gia", ông Nghĩa cảnh báo và giả định, trong số 1.000 tài sản không giải thích được có 300 tài sản thực sự là bất hợp pháp, nhưng chưa đủ bằng chứng để truy cứu, thì 55% trong số đó sẽ trở thành hợp pháp.
Theo ông, cơ quan soạn thảo nói sẽ tiếp tục điều tra sau khi thu thuế, nhưng chính công chức đó khi được yêu cầu đã không giải thích hợp lý về tài sản, thu nhập của mình, cố tình đối phó với tổ chức, việc điều tra sau này sẽ rất khó khăn vì họ sẽ xoá tất cả chứng cứ liên quan.
"Cá nhân tôi không luận giải được tính hợp pháp, hợp lý, hợp đạo đức của quy định này", ông Nghĩa nhấn mạnh.
"Nên tịch thu thay vì đánh thuế tài sản bất minh"
Trước thực tế thời gian qua nhiều người hàng chục năm chỉ làm cán bộ, công chức, với đồng lương bình thường nhưng có tài sản hàng trăm tỷ, rồi giải thích rằng do trồng rau, nuôi gà hay buôn chổi đót mà có, ông Nghĩa cho rằng "cách đơn giản nhất mà nhiều nước làm là luật hóa để sung công, tài sản đó thuộc về xã hội".
"Cán bộ, công chức giải thích không hợp lý nguồn gốc tài sản của mình thì không thể coi là việc bình thường, họ đang che giấu điều gì đó, chí ít là vi phạm kỷ luật công vụ. Tuy chưa chứng minh được tài sản đó do phạm tội mà có, nhưng người chủ tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì sung công là cách đối xử công bằng", ông Nghĩa nói và nhấn mạnh điều này chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức.
Đồng tình với ông Nghĩa, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội, cho rằng mức thuế 45% mà ban soạn thảo đề xuất không có căn cứ vì nếu là thuế suất thì phải có mặt bằng chung và thực hiện theo luật thuế; còn nếu là thuế suất đặc biệt thì phải chỉ rõ cơ sở ra sao, văn bản nào điều chỉnh.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng mức thuế 45% mà cơ quan thanh tra đưa ra là chưa rõ căn cứ. Ảnh: Q.H |
"Quy định truy thu thuế mà Thanh tra Chính phủ đưa ra rất khó khả thi vì khi thi hành sẽ có vướng mắc lớn. Cần lưu ý rằng, trong thực tiễn có những tài sản không phải là do tham nhũng mà có, tuy nhiên cán bộ, công chức không thể hoặc không muốn giải trình, mà vi phạm nghĩa vụ giải trình không thể đồng nhất với vi phạm khác như tham nhũng", ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm, để xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không rõ nguồn gốc thì phải thông qua phán quyết của tòa án mới đảm bảo tính pháp lý. Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng có quy định về hành vi làm giàu bất hợp pháp, Việt Nam nên nghiên cứu nội luật hoá để áp dụng.
Theo ông Quyền, trước mắt cơ quan chức năng nên đưa vào Bộ luật Hình sự một số tội liên quan đến làm giàu bất hợp pháp, áp dụng cho các trường hợp không chứng minh được nguồn gốc tài sản để xử lý. Về lâu dài, gốc của vấn đề là quản lý chặt chẽ thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn bằng cách kiểm soát thanh toán đối với tài sản có giá trị lớn, ví dụ tài sản trên 100 triệu đồng mà không được thanh toán qua ngân hàng thì là tài sản bất hợp pháp.
"Như vậy, những vụ tài sản hàng tỉ đồng được thanh toán không thông qua ngân hàng mà cơ quan chức năng phát hiện được thì coi đó là bất hợp pháp", ông nói.
Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng đã được Ủy ban tư pháp xem xét vào đầu tháng 3 và dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm, khai mạc ngày 20.5. |
HOÀNG THÙY (VnExpress)