Trung Quốc sửa Hiến pháp giúp ông Tập nắm quyền lực tuyệt đối
Bình luận - Ngày đăng : 05:09, 12/03/2018
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bỏ phiếu thông qua sửa đổi Hiến pháp vào ngày 11.3. Ảnh: REUTERS
Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 11.3 thông báo đề xuất thay đổi hiến pháp, bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ với vị trí chủ tịch và phó chủ tịch nước, được đánh giá là động thái mở đường để ông Tập Cận Bình tiếp tục cầm quyền sau năm 2023 để nắm giữ quyền lực lớn nhất từ trước tới nay, theo NYTimes.
Theo hiến pháp Trung Quốc hiện tại, Chủ tịch Tập Cận Bình, 64 tuổi, sẽ kết thúc nhiệm kỳ hai vào năm 2023, dù chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ông không bị giới hạn thời gian. Nếu quy định mới trong hiến pháp được thông qua, ông Tập về lý thuyết có thể nắm giữ ba chức vụ quan trọng nhất trong thời gian không hạn chế.
Nhà sử học Zhang Lifan cho rằng rất khó để dự đoán chính xác ông Tập sẽ giữ quyền lực trong bao lâu khi hiến pháp được sửa đổi. "Về mặt lý thuyết, ông ấy có thể nắm giữ quyền lực lâu hơn Mugabe, nhưng trên thực tế thì không ai chắc chắn", ông Zhang nói, đề cập đến cựu tổng thống Zimbabwe, người từng cầm quyền hơn 4 thập kỷ.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận xét đây là động thái củng cố quyền lực mạnh mẽ nhất của ông Tập từ trước tới nay và có tác động rất lớn đến các chương trình nghị sự dài hạn của ông.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, xúc tiến Sáng kiến Vành đai và Con đường, tổ chức lại quân đội, tiến hành chiến dịch chống tham nhũng và tăng cường an ninh nội địa. Những tham vọng dài hơi này đều nằm trong tầm nhìn của ông về Trung Quốc như một quốc gia thịnh vượng, được tôn trọng trên thế giới.
"Quyền lực của ông Tập giờ đây không thể bị kiềm chế. Ông sẽ kiểm soát hoàn toàn quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc", Susan Shirk, người đứng đầu Trung tâm Thế kỷ 21 thuộc Đại học California, San Diego, viết.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hết lời ca ngợi động thái này. Global Times trích lời Su Wei, giáo sư tại trường đảng Trùng Khánh, nói rằng đây là "quyết định quan trọng để phục vụ cho sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".
Theo giáo sư này, việc không giới hạn nhiệm kỳ của ông Tập là điều kiện cần thiết để Trung Quốc thực hiện các tham vọng dài hạn. "Năm 2020-2035 là giai đoạn quan trọng để Trung Quốc thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc và đảng Cộng sản Trung Quốc cần có sự lãnh đạo ổn định, vững chắc và nhất quán", ông Su nói.
Tuy nhiên, đề xuất sửa đổi hiến pháp này cũng gây ra những tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. "Nếu hai nhiệm kỳ là không đủ thì họ có thể thêm nhiệm kỳ ba, nhưng cần có một giới hạn. Loại bỏ quy định đó là không tốt!", một người viết trên Weibo.
Trên thực tế, trước khi đề xuất được công bố, đã có những dấu hiệu cho thấy ông Tập có thể tiếp tục nắm quyền sau năm 2023. Một trong những dấu hiệu đó là sự trở lại chính trường của Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải của ông Tập trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi".
Ông Vương năm nay 69 tuổi và buộc phải rời khỏi Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái theo nguyên tắc bất thành văn về độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông Vương mới đây được bầu làm đại biểu quốc hội và có thể trở thành Phó chủ tịch Trung Quốc. Động thái này rất quan trọng bởi vì nó sẽ tạo ra tiền lệ cho ông Tập giữ quyền lực sau khi ông đến tuổi được cho là phải nghỉ hưu.
Tuy nhiên, chuyên gia Shirk cảnh báo rằng khi quyền lực tập trung vào một người thì "nguy cơ đánh giá chính sách sai lầm cũng lớn hơn". "Chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc sẽ kiềm chế hay gay gắt hơn? Điều đó hoàn toàn sẽ phụ thuộc vào điều ông Tập muốn", bà nhấn mạnh.
Một số người cảnh báo việc quyền lực tuyệt đối tập trung vào tay ông Tập có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 12 năm ngoái gọi Trung Quốc là đối thủ chiến lược trong báo cáo an ninh quốc gia đầu tiên.
Các nhà hoạch định chính sách của Washington đang chuẩn bị kế hoạch áp thuế cho một số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đặc biệt là về công nghệ, và chi tiêu nhiều hơn cho quân đội Mỹ để duy trì lợi thế của họ đối với quân đội Trung Quốc.
Nếu không bị hạn chế nhiệm kỳ, ông Tập gần như chắc chắn sẽ còn nắm quyền sau năm 2025, khi ông Trump phải rời Nhà Trắng nếu ông đắc cử nhiệm kỳ hai, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, bình luận. "Ông ấy sẽ có vị thế mạnh hơn ông Trump - người chẳng có lý do gì để thích điều đó", Shi nói.
Theo VnExpress