Đừng lãng quên quyền người tiêu dùng

Kinh tế - Ngày đăng : 22:46, 16/03/2018

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) được thực thi cách nay 8 năm nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ...


Người tiêu dùng vẫn ngại khiếu nại khi bị xâm phạm quyền lợi

"Thượng đế" vẫn chịu thiệt

Cách đây ít lâu, chị Hà Dung quê ở xã Tân Phong (Ninh Giang) có đặt mua trên mạng cho con một chiếc máy bay đồ chơi với giá 300.000 đồng. Chị Dung cho biết: "Khi nhìn trên mạng tôi thấy chiếc máy bay rất đẹp, màu sắc bắt mắt, giá cả hợp lý nên đặt mua cho con. Nhưng sau khi nhận hàng thì  chiếc máy bay đó không giống hình mô phỏng. Kích thước nhỏ hơn nhiều, màu sắc cũng không sắc nét. Đặc biệt là máy bay điều khiển từ xa nhưng chỉ bay được mấy vòng rồi hỏng hẳn. Tôi đã gọi điện lại cho nơi bán hàng thì không thấy nghe máy". 

Cũng thường xuyên mua hàng trên mạng, chị Nguyễn Thị Mơ, quê ở xã Tân Việt (Thanh Hà) chia sẻ: "Có lần tôi mua 3-4 triệu quần áo, nhưng khi nhận hàng không đúng mẫu mã, kiểu dáng. Tôi đã gọi điện đến cửa hàng thắc mắc song không nhận được phản hồi. Tôi rất bức xúc, không biết làm thế nào".

Khi được hỏi vì sao các chị không gọi điện cho "Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD" thì chị Dung cho biết chị chưa nghe về hội này. Và nếu biết thì chị cũng không muốn phản ánh vì món đồ đó giá trị không lớn, khiếu nại sẽ mất nhiều thời gian.

Tâm lý ngại phản ánh, sợ mất thời gian mà không giải quyết được khiếu nại đã khiến một số người tiêu dùng "nhắm mắt làm ngơ" khi mua phải hàng giả, hàng nhái. Nhớ lại sự việc diễn ra vào năm 2013, chị Nguyễn Thị Ngọc, ở phố Hàn Trung (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi hay mua sữa ở cửa hàng sữa Minh Tâm. Một lần mua về tôi thấy mấy hộp sữa tươi bị phồng lên, có mùi rất khó chịu. Khi mang đến đổi trả thì nhân viên cửa hàng trả lời thiếu nhã nhặn. Tôi không muốn phiền phức nên đành bỏ qua”. 

Nâng cao trách nhiệm 

Thời gian qua, tỉnh Hải Dương chú trọng nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc bảo về quyền lợi NTD. Tỉnh đã thiết lập đường dây nóng của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389 tỉnh) tiếp nhận những ý kiến, khiếu nại của NTD khi quyền lợi bị xâm phạm. Song thực tế rất ít người khiếu nại, tố cáo qua đường dây này. Phản ánh của bộ phận chức năng năm 2017, đường dây nóng này không nhận được bất cứ một khiếu nại nào của người dân. Ông Phạm Đức Dũng, người phụ trách tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng băn khoăn: "Số điện thoại tố cáo các hành vi gian lận thương mại được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại một số điểm công cộng, nơi tập trung các điểm mua sắm như siêu thị, chợ dân sinh để người dân biết, nhưng năm qua chúng tôi không nhận được bất cứ một cuộc gọi nào để yêu cầu trợ giúp đòi quyền lợi".

Vì sao NTD ngại tố cáo các hành vi gian lận thương mại? Trước hết người mua hiện nay vẫn rất lơ mơ về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD nên ngại khiếu nại. Người dân biết đến số điện thoại tố cáo hành vi gian lận thương mại nhưng lại lo mất thời gian, quyền lợi khó được giải quyết thỏa đáng và còn thiếu niềm tin vào Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh. Ông Phạm Công Hoan ở phố Cao Bá Quát (TP Hải Dương) cho biết: "Đến như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam (Vinastas) còn bị phạt vì phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật trong vụ nước mắm có chứa asen thì người dân còn biết tin ai? Để người dân thực sự tin tưởng, trước hết các tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi NTD cần nêu cao trách nhiệm và khẳng định uy tín của  mình". 

Ở nhiều nước trên thế giới, các hiệp hội, hội bảo vệ NTD có quyền lực rất lớn và hoạt động hiệu quả. Thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, họ tích cực đấu tranh buộc nhiều doanh nghiệp và cả cơ quan Chính phủ phải đáp ứng, thực hiện yêu cầu của NTD. Từ đó, họ khiến doanh nghiệp có trách nhiệm với NTD, sản xuất, kinh doanh hàng hóa bảo đảm chất lượng. NTD tin tưởng, mạnh dạn đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. 

Vì vậy, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường, các thành viên của BCĐ 389 tỉnh cần nêu cao trách nhiệm hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD giai đoạn 2016-2020. Một trong những điểm mới của chương trình này là yêu cầu các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội xây dựng cơ chế phối hợp nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của NTD. Các đơn vị này được hỗ trợ kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nhất là trong các lĩnh vực y tế, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và an toàn thực phẩm. Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD các cấp được trang bị một số công cụ, phương tiện, thiết bị kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD độc lập cũng sẽ được hỗ trợ khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ để cảnh báo cho NTD. Chương trình này nhằm nâng cao quyền lực và trách nhiệm của các tổ chức đại diện cho quyền lợi của NTD. 

Theo đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh thì chỉ vai trò, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh chưa đủ mà cần trách nhiệm của các đơn vị và ý thức tự bảo vệ mình của NTD.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 263 vụ gian lận thương mại, xử lý 248 vụ. Tổng giá trị thu phạt và bán hàng tịch thu hơn 300 triệu đồng.

THỦY LAN