Mất an toàn thực phẩm ở các chợ nông thôn

Xã hội - Ngày đăng : 07:46, 17/03/2018

Tại các chợ nông thôn hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vẫn tồn tại khá phổ biến.


Thực phẩm sống được bày bán cùng thực phẩm chín tại chợ Lại, xã Thanh Thủy (Thanh Hà)

Thức ăn sống, thức ăn chín đều bẩn

Ngay cổng vào chợ Lại, xã Thanh Thủy (Thanh Hà) là dãy hàng bán thịt lợn. Những miếng thịt lợn được bày trên bàn gỗ hoặc bìa carton. Không ít chiếc bàn gỗ đã cáu bẩn bởi những lớp mỡ để lại từ ngày này qua tháng khác. Bên cạnh những miếng thịt lợn sống là những "cây" giò, chả được bày bán cùng mà không hề được che đậy. Đôi tay trần của người phụ nữ bán hàng thoăn thoắt thái thịt lợn sống, sau đó chỉ lau vội qua một miếng giẻ cáu bẩn rồi lại chuyển sang thái giò, chả cho khách. 

Ở một phía góc chợ là dãy hàng tôm cá, nhiều loại cá được những người bán hàng sơ chế ngay tại chợ. Sau khi mổ, rửa cá cho khách, những thau nước bốc mùi tanh ngòm được những người bán hàng đổ ngay ra góc chợ, tụ lại thành những vũng nước bốc mùi nồng nặc, thu hút ruồi nhặng bâu quanh. 

Tại chợ ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ), không khó để nhận thấy ở lối đi thỉnh thoảng có một vài vũng nước bẩn. Tại một khoảng đất trống giữa các gian hàng là đống rác thải. Ở một gian hàng khác, người bán hoa quả vô tư chào mời khách trong khi ngay phía sau lưng là các loại hoa quả, rau củ thối hỏng chất đống. 

Dù dãy hàng ăn đã được bố trí, sắp xếp vào một khu nhưng cảnh quan chung vẫn khá nhếch nhác. Mỗi một gian hàng bán đồ ăn như cháo, bún, phở... chỉ vỏn vẹn vài thùng sơn đựng nước rửa cáu bẩn. Những chiếc bát, thìa, đũa bẩn được người ta cho vào thùng nước ngầu bọt, rửa qua loa rồi nhấc vội sang một chiếc thùng khác để tráng. Người bán hàng dùng tay trần bốc thức ăn, bún phở cho khách. Tất cả quy trình từ sơ chế đến nấu nướng không mấy vệ sinh đó đều diễn ra ngay trước mặt thực khách, nhưng vẫn có khá nhiều người lui tới những hàng ăn này.

Chị Võ Thị Yến ở xã Kim Lương (Kim Thành) cho biết: "Khi đi chợ, tôi chỉ quan tâm đến độ tươi ngon của thực phẩm chứ cũng không để ý xem nơi buôn bán có hợp vệ sinh không hay những quy định về việc bày bán thực phẩm phải như thế nào". 

Khó kiểm soát

Tỉnh ta có trên 170 chợ lớn nhỏ, chưa kể hàng trăm chợ tạm, chợ cóc tự phát mọc lên ở khắp các xóm thôn, khu phố. Thực tế cho thấy tình trạng vi phạm các quy định về ATVSTP tại các chợ nông thôn khá phổ biến. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ ý thức của người dân. Người bán hầu như không có các thiết bị, dụng cụ bảo đảm ATVSTP trong khi người mua lại khá dễ dãi khi đưa ra lựa chọn của chính mình. Rõ ràng có những mặt hàng người tiêu dùng tận mắt chứng kiến, biết quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến không bảo đảm ATVSTP nhưng họ vẫn tặc lưỡi chấp nhận. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có gần 100 chợ (chiếm khoảng 56%) được kiểm soát vệ sinh thú y. Vì vậy, việc kiểm soát ATVSTP trong quá trình giết mổ gia súc, gia cầm rất khó khăn. Việc giết mổ gia súc, gia cầm hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, manh mún, phân và rác thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để. Khu vực giết mổ thường gây mùi hôi thối rất khó chịu và gây ô nhiễm nặng cho nguồn nước, môi trường sống của người dân xung quanh.  

Đại diện Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết việc thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định về ATVSTP tại các chợ vẫn được thực hiện thường xuyên. Mặc dù vậy, việc kiểm tra còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là ở chợ nông thôn. Bởi đa phần bà con buôn bán nhỏ lẻ, ý thức chấp hành Luật An toàn thực phẩm, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, dụng cụ, trang thiết bị để bảo quản và chế biến thực phẩm còn thiếu. Nhiều nơi, nhiều chỗ, chính quyền địa phương, ban quản lý chợ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề ATVSTP. 

Dự thảo Đề án "Bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020" đã nêu những giải pháp thực hiện nhằm cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm trong kinh doanh nông sản, thực phẩm tại các chợ. Trong đó tập trung tổ chức sắp xếp riêng biệt khu vực buôn bán thực phẩm với các loại hàng hóa khác; trong khu vực buôn bán thực phẩm, bố trí hợp lý các khu vực thực phẩm chín, sống; bố trí khu vực tập kết rác tách biệt với khu kinh doanh và tổ chức thu gom, xử lý kịp thời, tránh gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức và thực hành đúng quy định an toàn thực phẩm trong kinh doanh tại chợ. Tăng cường công tác kiểm soát thú y tại các chợ trên địa bàn. 

Để khắc phục tình trạng mất ATVSTP tại các khu chợ nông thôn, ngoài tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, có chế tài xử lý thường xuyên thì mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa, từ đó bảo vệ, nâng cao sức khỏe của chính mình. 

HOÀNG QUÂN