Phát huy vai trò của MTTQ trong giai đoạn mới. Bài 2: Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 09:31, 19/03/2018

Mặc dù đã triển khai 4 năm nhưng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ vẫn còn lúng túng, chưa thực sự hiệu quả.

Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo về chính sách, pháp luật của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Ảnh: Ngọc Hùng

Nguyên nhân là do lựa chọn vấn đề để giám sát, chọn nội dung phản biện chưa tốt. Chưa biết huy động lực lượng để thực hiện giám sát, phản biện. Chưa biết lựa chọn phương pháp tổ chức thực hiện để đạt hiệu quả. Chính vì thế, một số nơi chưa “thiết tha” với hoạt động mới này. Để giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả, cần chú ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, hiểu đúng về giám sát và phản biện xã hội

Mục đích của giám sát là nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án kinh tế, xã hội. Kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, cần quán triệt mục tiêu chính của hoạt động giám sát là để phát hiện và ngăn chặn những vi phạm chứ không nhằm tìm sai phạm để xử lý. Muốn vậy, giám sát cần được thực hiện kịp thời khi phát hiện “manh nha” vi phạm thì việc ngăn chặn mới có ý nghĩa. Những vụ án kinh tế lớn được phát hiện trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều đó. Nếu như có sự giám sát, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời thì hậu quả không lớn như vậy, vừa mất cán bộ lại vừa thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến xã hội, đến môi trường đầu tư.

Đối tượng, phạm vi giám sát của MTTQ rất rộng, gồm: Các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước. Với đối tượng, phạm vi rộng như vậy khi chọn vấn đề để giám sát cần căn cứ vào những việc nổi cộm, bức xúc, những kiến nghị, phản ánh từ nhân dân; những vấn đề từ thông tin, báo chí, kể cả những dư luận xã hội. Không nhất thiết vấn đề đó phải “lớn” hay “to tát" mà phải kịp thời và trả lời được những câu hỏi từ nhân dân.

 Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo về chính sách, pháp luật của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Đối tượng của phản biện xã hội rất rộng, như trong Quyết định 217 của Bộ Chính trị quy định: "MTTQ phản biện các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia".

Như vậy, MTTQ có thể tham gia góp ý kiến vào tất cả các dự thảo chính sách của cấp ủy đến HĐND và UBND. Tuy nhiên, tùy theo khả năng của mình và từng thời điểm mà lựa chọn văn bản để phản biện đạt hiệu quả thiết thực.

Phản biện được thực hiện khi các văn bản đang ở giai đoạn dự thảo. Vì vậy, để phản biện kịp thời, hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ với các cơ quan soạn thảo (các cơ quan chuyên môn của cấp ủy, HĐND, UBND), cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản (cấp ủy, HĐND, UBND) để các dự thảo văn bản sớm đến với MTTQ.

 Thứ hai, chuẩn bị lực lượng để thực hiện giám sát, phản biện xã hội.

Khi triển khai hoạt động giám sát và phản biện, nhiều người nói rằng: MTTQ thì làm sao có lực lượng mà giám sát được, HĐND hùng mạnh như vậy mà giám sát còn chưa “ăn ai”. Nhưng tôi lại thấy rằng ở MTTQ, lực lượng tham gia hoạt động này rất dồi dào, bởi MTTQ tổ chức liên minh các tổ chức xã hội, trong đó có rất nhiều nhân sĩ, trí thức, các chuyên gia, những người có kinh nghiệm thực tiễn. Ngay trong Ủy ban MTTQ đã có các nhân sĩ, trí thức, chuyên gia là ủy viên ủy ban MTTQ, còn có các thành viên của các hội đồng tư vấn (ban tư vấn), các chuyên gia ở các tổ chức thành viên của MTTQ.

Thứ ba, chọn phương thức thực hiện phù hợp và hiệu quả

Ngày 15.6.2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017, quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Theo đó, căn cứ vào vấn đề giám sát, dự thảo văn bản phản biện để chọn hình thức tổ chức phù hợp, hiệu quả.

Đối với giám sát, có nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan thẩm quyền có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đây là hình thức giám sát văn bản của các cơ quan cùng cấp (cấp ủy, HĐND, UBND) đã ban hành và đang có hiệu lực. Khi nghiên cứu các văn bản, nếu phát hiện có nội dung nào bất cập, không phù hợp, Ban Thường trực MTTQ tổng hợp ý kiến gửi đến cơ quan ban hành văn bản để xem xét sửa đổi, bổ sung, hoặc yêu cầu hủy bỏ văn bản đó nếu vi phạm nghiêm trọng.

Tổ chức đoàn giám sát, đây là hình thức giám sát theo chuyên đề, dựa trên chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm của ủy ban MTTQ; kiến nghị của tổ chức thành viên của mặt trận; đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức do ủy ban MTTQ  tiếp nhận; thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ các căn cứ trên, chúng ta chọn vấn đề để giám sát phù hợp với điều kiện tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, có thể tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; giám sát ở cơ sở thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Đối với phản biện xã hội, có các hình thức: Tổ chức hội nghị phản biện, các ý kiến được trao đổi, tranh luận làm sáng tỏ vấn đề nhằm đi đến thống nhất. Gửi dự thảo văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để lấy ý kiến. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa MTTQ với các cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện.

LƯƠNG ANH TẾ