Bảo đảm quyền lợi cho người lao động sau sắp xếp

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 06:59, 21/03/2018

Sau khi sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề cấp huyện, các nơi đang từng bước tháo gỡ khó khăn…


Sau khi sáp nhập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Gia Lộc đã kịp thời sắp xếp lại tổ chức bộ máy để hoạt động ổn định 

Kịp thời sắp xếp

Đầu tháng 2.2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã bàn giao 19 Trung tâm GDTX, kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề cho UBND cấp huyện quản lý, hoàn tất việc sáp nhập các trung tâm. Các chức danh Giám đốc trung tâm sau sáp nhập hầu hết được giao cho 1 đồng chí giám đốc của 1 trong 2 trung tâm hợp nhất. 

Gần 1 tháng sau ngày công bố quyết định sáp nhập, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề, GDTX TP Hải Dương Nguyễn Minh Khuê cho biết trung tâm hiện đã hoạt động ổn định và cơ bản sắp xếp xong bộ máy. Từ 2bộ máy, 2ban giám hiệu và các tổ bộ môn riêng biệt, sau khi sáp nhập, trung tâm đã khẩn trương ban hành quy chế tạm thời quy định về nhiệm vụ, hoạt động của đơn vị. Trung tâm đang hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm đồng chí Giám đốc Trung tâm GDTX cũ làm Phó Giám đốc trung tâm mới. 1 kế toán của Trung tâm GDTX cũ được phân công làm công tác văn thư, hành chính tại cơ sở 2 (Trung tâm GDTX cũ). Trung tâm giải quyết xong thủ tục cho 1 nhân viên văn thư có nguyện vọng chuyển công tác khác. Từ 8tổ chuyên môn của 2 trung tâm cũ, hiện nay đã rút gọn lại thành 5 tổ chuyên môn, đồng thời cắt giảm số lượng tổ trưởng, tổ phó. 

Sau khi sáp nhập, trung tâm đã hoàn thiện hồ sơ, chốt sổ bảo hiểm xã hội cho 2 giáo viên trong biên chế xin thôi việc. Đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm thủ tục cho 2đồng chí Phó Giám đốc trung tâm nghỉ chế độ theo Nghị định 108/2014 của Chính phủ về tinh giản biên chế.

Thuận lợi hơn nhiều đơn vị khác, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và GDTX Gia Lộc sau khi sáp nhập chỉ có 30 cán bộ, giáo viên, ít hơn số biên chế được giao. Ngay sau khi sáp nhập, trung tâm đã giảm số lớp học văn hóa, học nghề của trung tâm dạy nghề cũ từ 6 lớp xuống còn 4 lớp; phân công giáo viên từ Trung tâm GDTX (cũ) sang giảng dạy thay cho việc hợp đồng với giáo viên trung tâm khác trước đó. 4 tổ giáo viên được gộp vào còn 3 tổ. Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cũ được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc trung tâm phụ trách lĩnh vực dạy nghề. 1 kế toán dôi dư được điều chuyển làm giáo vụ. Các quyền lợi về lương, phụ cấp đứng lớp của cán bộ, giáo viên cả 2 trung tâm sau khi sáp nhập đều được bảo đảm. 

Tiếp tục tinh gọn hợp lý

Sau khi sáp nhập có một số trung tâm, đơn vị còn gặp khó khăn, số cán bộ lãnh đạo nhiều và đơn vị chưa có phương án phân công, bố trí hợp lý, gây tâm lý lo lắng cho người lao động.

Theo tổng hợp đến ngày 31.5.2017, toàn bộ 19 trung tâm trong toàn tỉnh có 392 cán bộ, giáo viên trong biên chế và 116lao động hợp đồng. Riêng cán bộ lãnh đạo có 46 người, gồm 19 giám đốc, 27 phó giám đốc. Đội ngũ nhân viên hỗ trợ, phục vụ gồm 81 người cả trong biên chế và hợp đồng. Nhiều đơn vị có nhiều lao động hợp đồng là Trung tâm GDTX Chí Linh (20 người), Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề Ninh Giang (7 người)... Đa số là hợp đồng dạy nghề theo vụ việc. 

Khó khăn lớn nhất của nhiều trung tâm sau sáp nhập hiện nay là số cán bộ, giáo viên vượt số lượng biên chế được giao năm 2018. Trong khi đó, căn cứ phương án tinh giản biên chế do Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng trước khi sáp nhập, một số trung tâm có tỷ lệ tinh giản trong năm 2018 ở mức cao, có nơi tinh giản đến 16%/năm trong tổng số biên chế được giao. Đây là bài toán khó buộc các trung tâm phải tính toán sớm để cân đối các vị trí, sắp xếp các công việc phù hợp cho đội ngũ và vẫn phải bảo đảm tốt hoạt động của đơn vị. Có thể có đơn vị sẽ phải điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, từ cấp học này sang cấp học khác để bảo đảm đủ định mức biên chế. Việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của các địa phương, của ngành giáo dục và đào tạo và sự phối hợp của các nhà trường.

Hiện nay số lượng cấp phó các trung tâm tăng cao quá mức quy định do sáp nhập 2 bộ máy, trong đó có nhiều đồng chí trẻ tuổi, đang ở trong nguồn quy hoạch chức vụ cao hơn. Các trung tâm cũng cần sớm đề xuất các phương án khả thi, tạo tâm lý ổn định để cán bộ yên tâm công tác. 

Sau hợp nhất, do hệ số lương và mức phụ cấp của hệ GDTX, hệ dạy nghề được quy định khác nhau nên các trung tâm cũng cần phải tính toán rất cụ thể để cân đối các nguồn thu chi, bảo đảm sự công bằng, phù hợp giữa cán bộ, giáo viên trong cùng một đơn vị. 

Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19 Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) đã hướng dẫn cụ thể các giải pháp sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đối với các cơ quan, đơn vị sáp nhập, hợp nhất. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần quyết tâm thực hiện tốt để tinh gọn bộ máy, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động sau khi cơ quan, đơn vị sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoạt động.  

THU MINH