Công nhân nữ thiệt trăm bề. Bài 1: Lực lượng chủ lực

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 11:47, 21/03/2018

Trong các nhà máy, doanh nghiệp, công nhân nữ đang chiếm tỷ lệ vượt trội. Họ nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển.


Chị Vũ Thị Thanh (đứng) có đóng góp không nhỏ giúp ổn định tình hình nhân sự của doanh nghiệp

Quân số áp đảo

Cả 2 chi nhánh của Công ty TNHH May Tinh Lợi ở các khu công nghiệp Nam Sách và Lai Vu hiện có khoảng 17.000 công nhân. Tham gia sản xuất hàng may mặc nên công ty luôn ưu tiên tuyển dụng nữ. Theo ông Phạm Đình Họa, Chủ tịch Công đoàn công ty, hiện tỷ lệ nữ chiếm khoảng 90% số lao động trong công ty. Họ làm việc ở tất cả các công đoạn sản xuất của nhà máy, tập trung đông nhất ở bộ phận may và kiểm hàng. Nhiều tổ may tất cả công nhân đều là nữ.

Công ty TNHH Laurelton Diamonds Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) là doanh nghiệp 100% số vốn đầu tư Hoa Kỳ, chuyên cắt tạo dáng và hoàn thiện đá. Công việc này đòi hỏi lao động phải tỉ mỉ, khéo léo, nhẫn nại, nên thích hợp với phụ nữ hơn nam giới. Vì vậy, nữ giới chiếm 95% trong hơn 1.000 công nhân của công ty. Một đặc điểm nữa khiến lao động nữ chọn vào đây làm việc vì công ty thường chỉ làm đúng theo khung giờ hành chính 8giờ/ngày và hằng tuần được nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Làm ở đây công nhân nữ vẫn có thể đưa đón con đi học và có nhiều thời gian thu vén việc gia đình.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, tính đến hết năm 2017 toàn tỉnh có 166.999 đoàn viên nữ, chiếm 78% tổng số đoàn viên công đoàn. Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết trong số đó có khoảng 60% là nữ đoàn viên làm việc trong các doanh nghiệp. Nếu tính riêng trong các khu công nghiệp thì công nhân nữ chiếm gần 70%. Điều này cho thấy lực lượng công nhân nữ trong các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn nam giới. Nguyên nhân do tỉnh ta thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, giày da, chế tạo lắp ráp linh kiện điện tử... Đây đều là những ngành nghề đòi hỏi số lượng lao động lớn và phù hợp với nữ giới. Nhiều lao động nữ đang làm việc tại Hải Dương đến từ các địa phương khác. Theo cán bộ một số doanh nghiệp lớn như các Công ty TNHH: May Tinh Lợi, Sumidenso Việt Nam, Công nghệ Vĩnh Hàn Precision, Giầy Continuance Việt Nam... có rất nhiều lao động nữ đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc miền Trung.

Những mắt xích quan trọng

Không chỉ chiếm số lượng lớn, lao động nữ còn giữ rất nhiều vai trò chủ chốt trong doanh nghiệp. Ở Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (khu công nghiệp Nam Sách) ai cũng biết chị Nguyễn Thị Hồng Vân. Nhiều năm gắn bó với công ty, luôn cống hiến hết mình cho công việc, từ một nhân viên kế toán văn phòng chị đã được lãnh đạo công ty giao giữ chức Kế toán trưởng kiêm Trưởng Phòng Nhân sự. Để phục vụ tốt cho công việc, chị đã học thêm tiếng Nhật. Chị Vân đã có nhiều đóng góp quan trọng giúp Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso duy trì tốt hoạt động và mở rộng sản xuất trong thời gian qua. Ghi nhận sự đóng góp của chị Vân, công ty đã cử chị đến một số nước như Thái Lan, Mỹ - nơi công ty có chi nhánh để thuyết trình về bí quyết thành công trong công việc. 

Đại đa số công nhân Công ty TNHH  Michigan là nữ

Dáng người nhỏ nhắn, giản dị trong bộ đồng phục của Công ty TNHH ANT (Cẩm Giàng) nhưng khối lượng công việc chị Vũ Thị Thanh đảm đương lại không hề nhỏ. Chị đang làm trợ lý giám đốc nhân sự công ty. Do giám đốc là người Đài Loan (Trung Quốc) nên chị Thanh phải quán xuyến nhiều việc. Chị có vai trò quan trọng trong việc tham mưu, đề xuất các chế độ chính sách cho tổng số hơn 500 người đang làm việc tại công ty. Thời gian qua, công ty không có người lao động khiếu nại về việc thực hiện các chế độ chính sách. Tỷ lệ công nhân bỏ việc cũng rất thấp so với các doanh nghiệp xung quanh. 

Cách đây chưa lâu, chị Trần Thị Thoa, công nhân Công ty CP May Thiên Tân (Nam Sách) đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Huy hiệu Lao động sáng tạo. Hằng ngày phải trực tiếp may các sản phẩm, chị Thoa đã phát hiện sự bất cập trong một số công đoạn. Chị đã đề ra giải pháp “Thiết kế chế tạo bộ cữ gá dùng để bổ túi, bổ cổ và quay cổ, nẹp áo…”. Sau khi áp dụng, sáng kiến này đã thành công, mỗi năm làm lợi cho công ty khoảng 230 triệu đồng. Đáng nói là sáng kiến này có hiệu quả xã hội rất lớn, giúp công ty tạo ra sản phẩm bền, có sức cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như nước ngoài, đồng thời giúp công nhân giảm sức lao động và bớt căng thẳng trong suốt ca làm việc.

Những đóng góp của công nhân nữ trong phát triển kinh tế là không hề nhỏ. Họ hằng ngày miệt mài, thầm lặng làm việc, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp... 

THANH NGA