Di sản là những giọt nước mắt
Chính trị - Ngày đăng : 15:30, 21/03/2018
Nhiều người tới viếng đã bật khóc khi nhắc lại những gì ông đã làm cho quê hương, đất nước. Còn bao nhiêu giọt nước mắt khác âm thầm chảy trong lòng đông đảo người dân trên cả nước thương tiếc ông.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhắc đến với thành tựu tăng trưởng kinh tế đất nước đạt bình quân 7%/năm trong 9 năm ông đứng đầu Chính phủ. Các nhà nghiên cứu kinh tế, chính trị nước ngoài cũng đánh giá cao sự lãnh đạo của ông đã giúp chèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam đi qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á một cách thần kỳ. Trong nhiệm kỳ của ông, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, mở đường cho kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt được những bước tiến dài. Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ khi nước ta thống nhất vào năm 1975. Khi ông rời chính trường, Việt Nam vừa kết thúc đàm phán song phương với Hoa Kỳ, đối tác cuối cùng trong 28 đối tác có yêu cầu đàm phán song phương để Việt Nam gia nhập WTO.
Khi từ nhiệm trước khi nhiệm kỳ Thủ tướng kết thúc 1 năm, ông rất day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Trong những ngày này, khi liên tiếp các "đại án" được phanh phui, hàng loạt các cán bộ, những người có quyền lực và trách nhiệm bị khởi tố, tạm giam, chúng ta càng thấy sự trăn trở của nguyên Thủ tướng từ hơn mười năm trước vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong số những người "dính chàm" đã và chưa bị phát hiện, có ai đó trong giây phút nào đó cảm thấy xấu hổ trước tinh thần trách nhiệm và nhân cách của ông?
Những gì một con người để lại cho hậu thế có thể dùng làm thước đo tài năng, ý chí, nhân cách của họ khi còn sống. Với những người từng được giao chức trách và quyền lực, di sản quý giá nhất họ để lại là sự phát triển của lĩnh vực họ từng phụ trách, là những giọt nước mắt và niềm thương tiếc của người dân. Còn với những người lợi dụng chức quyền chỉ để vụ lợi cho bản thân và gia đình, bất chấp sự phương hại cho xã hội, di sản họ để lại có thể là rất nhiều tiền bạc song không bao giờ có được sự kính trọng, tiếc thương. Nhân dân từ muôn đời nay vốn dĩ rất công bằng. Những gì còn lại, sống mãi trong nhân dân là những giá trị thực sự quý giá, hữu ích cho đời sống. Chính bởi vậy, hơn 2 thế kỷ trước, đại thi hào Nguyễn Du khi đang làm quan vẫn chỉ day dứt trong lòng câu hỏi "Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/Người đời ai khóc Tố Như chăng?". Trong những ngày này, chứng kiến những giọt nước mắt thực lòng của người dân đối với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, có ai trong số các quan tham chạnh lòng nghĩ về kết thúc của mình?
LAM ANH