Nỗi buồn đồng rau
Chính trị - Ngày đăng : 08:02, 23/03/2018
Khi phóng viên hỏi, có bác nông dân nói ruộng này thương lái mua rồi, trả tiền rồi nhưng không về lấy mà nhờ chủ ruộng cuốc bỏ đi hộ. Bác ấy còn nói thêm “tôi cầm đồng tiền của họ mà áy náy”.
Xuân Nẻo là quê tôi. Giờ cả xã trồng rau. Là một người đã từng đánh vật với đất nên nhìn những nhát cuốc băm đôi củ su hào ra, tôi thực sự đau lòng. Nhớ lúc vất vả làm đất, đánh luống rồi mua cây giống, đếm từng trăm cây một đem về, gượng nhẹ trồng rồi tưới tắm, chăm sóc, trông đợi. Cả cánh đồng rau mơn mởn trông sướng mắt lắm. Rồi củ su hào hình thành, lớn dần. Thèm mà chỉ dám nhổ những củ nứt, củ còi cọc về luộc ăn. Ngọt lắm. Có nhà luộc cả lá. Vậy mà giờ cho không ai lấy, hỏi không xót sao được?
Từ chuyện đồng rau Xuân Nẻo làm tôi nhớ đến cây tỏi ở Kinh Môn. Vào thập kỷ 80 thế kỷ trước, cả huyện Kinh Môn đua nhau trồng tỏi. Nhà nhà trồng tỏi, người người trồng tỏi. Một vài mét vuông đất ở vườn cơ quan cũng cắm tỏi. Mùa thu hoạch, trong làng chỗ nào cũng phơi tỏi. Khi tỏi khô đem vào làm dàn gác tỏi thay trần nhà. Mùi tỏi nồng nặc. Rệp tỏi rơi xuống, đêm ngủ không yên... nhưng chịu được tất vì một cân tỏi lúc ấy bán đi đong được ba cân gạo. Cây tỏi thành cứu cánh cho nông dân Kinh Môn. Vậy mà được mấy năm, tỏi xuống dốc. Có gia đình để hàng tấn tỏi khô nhưng bán rẻ như cho. Để đến vụ trồng năm sau thì mọc mầm, cũng hỏng. Diện tích tỏi lại giảm dần.
Cùng trong vòng quay ấy, vải thiều Thanh Hà cũng từng lao đao. Có lần mấy chị em ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh về Thanh Hà vào mùa vải. Các chị hỏi một bà chủ vườn mua 50.000 đồng (số tiền ấy vào lúc đắt không mua nổi một cân quả tươi). Bà chủ vườn bảo các chị muốn vặt bao nhiêu thì vặt. Các chị hồ hởi bẻ hết chùm quả này đến chùm khác. Mệt, lại bụi, kiến, bọ xít... các chị biết không tham được, đành thôi và nói với tôi là: chỉ bẻ vải đã thấy nhọc rồi. Có làm mới thấy hết cái khổ của nông dân. Rồi vải lại bị chặt hạ dần. Trồng đã lâu, đã khó, chặt bỏ cũng không dễ.
Thế là từ đồng rau Tứ Kỳ, đồng tỏi Kinh Môn đến hàng trăm hàng ngàn mẫu vải thiều Thanh Hà đều chịu chung một cảnh bấp bênh. Người nông dân, trong quy mô hộ gia đình thì chỉ biết chạy theo cái đắt, không ai bảo được ai, cứ thế đổ xô đi trồng theo phong trào. Nhà nước (ở quy mô tỉnh, huyện) thì không điều tiết nổi thị trường. Thương nhân thì ép giá bằng nhiều cách để mưu lợi nhuận lớn hơn. Nhà khoa học thì xa rời thực tế, mải nghiên cứu những cái đẩu đâu. Trong sự liên kết “4nhà”, nhà nông chịu nhiều thiệt thòi. Vốn của họ, sức lao động của họ, sản phẩm của họ. Sản phẩm ế cũng họ chịu.
Không thể để tình trạng sản phẩm nông nghiệp cứ mãi bấp bênh như thế được. Các sản phẩm nông nghiệp nuôi sống nhân loại, nuôi sống xã hội. Cứu người nông dân là cứu xã hội. Song cứu bằng cách nào? Chính sách ư? Cơ chế ư? Khoa học ư? Thị trường ư? Tầm vĩ mô hay vi mô? Và cả người nông dân nữa cùng phải nghĩ ra cách tự cứu mình. Tất cả đều phải được trả lời bằng những việc cụ thể.
VĂN DUY