Dự án "treo" chờ đất
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 06:14, 26/03/2018
Khu đất thực hiện dự án của Công ty TNHH Mạnh Toàn Plastic và Công ty TNHH Taisieh đã có mặt bằng sạch nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được giao đất
Thủ tục xong, mặt bằng có
Công ty TNHH Mạnh Toàn Plastic (Công ty Mạnh Toàn) ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm đồ nhựa xuất khẩu vào tháng 8.2017. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 145 tỷ đồng và được sử dụng 63.898m2 đất trong cụm công nghiệp (CCN) Nguyên Giáp. Theo kế hoạch, mỗi năm nhà máy sẽ sản xuất hơn 70 triệu sản phẩm đồ nhựa các loại. Nhà máy phải hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư. Để bảo đảm tiến độ đầu tư, Công ty Mạnh Toàn đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục thực hiện dự án nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được giao đất xây dựng dự án.
Trong đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng của tỉnh, ông Phạm Trung Kiên, Giám đốc Công ty Mạnh Toàn cho biết: “Công ty đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và báo cáo thẩm tra nhu cầu sử dụng đất. Các nội dung này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Công ty cũng đã thực hiện đầy đủ việc góp vốn, lập bản vẽ thiết kế chi tiết và ký kết các hợp đồng thi công xây dựng, mua bán máy móc. Chi phí cho dự án lên tới vài chục tỷ đồng”. Khi mọi thủ tục đã xong thì dự án lại bị ách tắc do doanh nghiệp chưa được giao đất.
Cũng như Công ty Mạnh Toàn, mặc dù đã có mặt bằng sạch nhưng dự án xây dựng nhà máy sản xuất keo của Công ty TNHH Taisieh (chủ sở hữu là Công ty Best Accord Limited ở Samoa) vẫn chưa được giao đất để triển khai dự án. Sau gần một năm thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan, tháng 8.2017, Công ty TNHH Taisieh được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại CCN Nguyên Giáp. Dự án sử dụng hơn 24.000 m2 đất với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Công ty đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để chuẩn bị triển khai dự án. Theo đại diện công ty, việc chậm bàn giao đất khiến công ty bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng do không cung cấp được sản phẩm cho khách hàng và phải chịu phạt vì hủy hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị phục vụ dự án.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân chậm giao đất cho hai dự án trên là do Công ty TNHH May Tinh Lợi (Công ty Tinh Lợi) đang kiến nghị với tỉnh về việc thuê đất trong CCN Nguyên Giáp để thực hiện dự án may. Trước đây, Công ty Tinh Lợi đã ứng tiền để giải phóng một phần mặt bằng trong CCN Nguyên Giáp. Hiện nay, do nhu cầu mở rộng dự án và lấy lại số tiền đã ứng ra trước đó nên Công ty Tinh Lợi muốn được quay lại đầu tư dự án trong CCN. Đề xuất này đang được UBND tỉnh xem xét.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp, tìm giải pháp tháo gỡ. Có nhiều đề xuất được đưa ra như giữ nguyên vị trí đầu tư dự án của Công ty Mạnh Toàn và Công ty TNHH Taisieh, đề nghị Công ty Tinh Lợi chuyển sang vị trí khác; điều chỉnh vị trí thuê đất của Công ty Mạnh Toàn và Công ty TNHH Taisieh sang vị trí khác trong CCN Nguyên Giáp; quy hoạch một CCN mới để di chuyển hai dự án trên... Dù vậy, đến nay khó khăn của các doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: Mặc dù đã có nhiều cuộc họp để giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp trên nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết cụ thể. Hiện nay, huyện cũng chưa biết làm cách nào để tháo gỡ dứt điểm khó khăn cho doanh nghiệp. Sắp tới, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan sẽ có nhiều cuộc họp nữa để thống nhất phương án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2011, Công ty Tinh Lợi đã có đề xuất đầu tư tại CCN Nguyên Giáp để thực hiện dự án Tinh Lợi 2. Nhưng do vướng mắc trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng nên công ty đã có văn bản xin ngừng thực hiện dự án tại CCN Nguyên Giáp và xin chuyển địa điểm đầu tư về khu công nghiệp Lai Vu. Đề xuất này đã được tỉnh chấp thuận. Về mặt pháp lý, dự án Tinh Lợi 2 đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép di chuyển đến địa điểm mới. Vì vậy, việc thực hiện các thủ tục và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án sản xuất các sản phẩm đồ nhựa xuất khẩu của Công ty TNHH Mạnh Toàn Plastic và dự án xây dựng nhà máy sản xuất keo của Công ty TNHH Taisieh tại CCN Nguyên Giáp là tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai. Hiện nay, hai doanh nghiệp trên đều có nguyện vọng được tiếp tục thực hiện dự án tại vị trí đã được phê duyệt.
Việc chậm giao đất cho Công ty Mạnh Toàn và Công ty TNHH Taisieh không những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh tại Hải Dương. Đề nghị tỉnh sớm có phương án giải quyết dứt điểm khó khăn cho các doanh nghiệp.
TRẦN ANH