Nhọc nhằn thợ cống

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 11:08, 26/03/2018

Để hệ thống cống ngầm luôn thông thoát, các tuyến đường được giải cứu nhanh sau mỗi trận mưa... cần đến những người thợ cống như thế.


Những người thợ cống luôn chia sẻ và giúp đỡ nhau trong công việc

Nguy hiểm rình rập

7 giờ sáng, từng tổ công nhân ở Xí nghiệp Thoát nước (thuộc Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương) đã có mặt trên các tuyến đường của TP Hải Dương. Công việc chính của họ là khơi thông các tuyến cống rãnh để tránh tình trạng ngập úng. Tiếp xúc với bùn đất, làm việc hàng giờ dưới hố ga, ống cống là công việc hằng ngày của họ. 

Một ngày giữa tháng ba, chúng tôi theo anh Đặng Xuân Hường (41 tuổi) và anh em trong tổ đến đường Phạm Sư Mệnh để làm việc. Các anh tranh thủ ăn vội nắm xôi, chiếc bánh mỳ lót dạ cho bữa sáng trước khi bắt tay vào công việc. Ngay sau khi xe chuyên dụng có mặt tại địa điểm định sẵn, mỗi người phụ trách một việc, người mở nắp hố ga, người kéo dây phun nước cao áp, người điều khiển máy… Khi nắp hố ga được bật lên, mùi hôi từ chất thải, nước thải bốc lên khiến nhiều người xung quanh cảm thấy khó chịu, không thể đứng gần. Ấy vậy mà chỉ chờ khoảng 2 phút cho mùi hôi và khí độc bay bớt, các anh luồn dần ống nước vào từng ngóc ngách của đường ống để bơm nước thông cống. 

Anh Hường cho biết: “Đường cống dân sinh trong khu dân cư nhỏ, lượng bùn đất ít và dễ làm hơn những đường ống to ngoài tuyến phố chính. Nếu sau khi bơm nước, đường cống khơi thông, chúng tôi chỉ phải dọn một lượng bùn nhỏ rồi đậy nắp hố là hoàn thành công việc. Nhưng nếu vẫn còn điểm tắc, ứ nước thải, anh em lại phải dò tìm vị trí tắc để xử lý. Có khi phải mất cả ngày để tìm, rồi đục, cắt, bới rác. Công việc vất vả lắm”. Hôm nay điểm hố ga này dễ xử lý nên chỉ sau 30 phút, toàn bộ anh em trong tổ lại thu dọn dụng cụ để tiếp tục di chuyển sang tuyến đường mới. 


Được gia đình động viên, anh em đồng nghiệp cảm thông, chia sẻ, nhiều thợ cống đã dần vượt qua tự ti để gắn bó với nghề

- Một ngày các anh phải xử lý bao nhiêu điểm?- tôi tranh thủ hỏi chuyện.

- Tùy vào thời gian xử lý. Nếu thuận lợi thì xử lý nhanh, làm được hơn 10 điểm. Nhưng cũng có khi gặp tình huống khó, phải làm dưới ống cống sâu chừng 3-4 m thì công việc vất vả hơn. Mỗi ngày như vậy chỉ làm được khoảng 2-3 điểm - anh Hường nói.

- Công việc của các anh có cố định theo thời gian không?

- Theo quy định thì chúng tôi chỉ làm việc 8 giờ/ngày. Tuy nhiên do đặc thù công việc nên nhiều khi phải tranh thủ thời gian cho kịp kế hoạch được giao. Bình thường thì công việc kết thúc vào cuối giờ chiều là có thể về nhà đón con, phụ giúp việc nhà. Nhưng nhiều khi có sự cố hoặc trời đổ mưa lớn, chúng tôi lại phải nhanh chóng có mặt tại các điểm ngập úng để khơi thông. Có những hôm làm đến tận đêm để bảo đảm hệ thống cống nước thải không bị tắc nghẽn - anh Hường nói.

Có tận mắt chứng kiến công việc của những công nhân cống ngầm, chúng tôi mới thấu hiểu những vất vả và nguy hiểm mà họ vẫn thường đối mặt mỗi ngày. Vừa kéo thùng rác đen ngòm, đặc quánh bùn đất bốc mùi hôi thối từ hố ga sâu khoảng 2m trên đường Nguyễn Văn Thịnh (phường Ngọc Châu) lên, anh Đàm Xuân Thái (48 tuổi) vừa chia sẻ với chúng tôi về những vất vả trong nghề này. Công việc luôn phải tiếp xúc với bùn đất, rác thải nên gặp tai nạn nghề nghiệp là chuyện thường ngày. Từ việc đụng tay phải kim tiêm, giẫm vào mảnh sành, thủy tinh hay bị cây nhọn đâm vào người, bị dập ngón tay do nắp cống kẹp phải, bị ngã... Những vật này thường ẩn kín dưới bùn sâu, rất khó phát hiện nên anh em luôn nhắc nhở nhau cần cẩn trọng trong công việc, chọn vị trí đứng cố định, an toàn để hạn chế gặp tai nạn. Công việc trong trung tâm thành phố đã vất vả nhưng làm việc ở khu vực ven thành phố, nơi tập trung nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất có nước thải ô nhiễm thì cực nhọc và độc hại hơn nhiều. Nếu chỉ sơ suất không mang đủ trang phục bảo hộ, đeo găng tay và khẩu trang thì sau đó sẽ có nguy cơ cao bị viêm da dị ứng gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Hết mình với nghề

Công việc vất vả quanh năm, thường xuyên ngâm mình dưới cống nước bẩn, lúc nào cũng nhếch nhác, lấm lem bùn đất nhưng ai cũng gắn bó với nghề.

Anh Vũ Văn Khang (35 tuổi) ở đường Nguyễn Lương Bằng (phường Phạm Ngũ Lão) đã có hơn 17 năm làm nghề thợ cống. Anh Khang chia sẻ: “Thật không dễ mà sống, gắn bó được với nghề này bởi môi trường làm việc phải tiếp xúc với chất bẩn. Công việc nặng nhọc luôn cần đến sức khỏe và sự nhiệt tình”. Khi mới vào nghề, giống như bao người khác anh Khang cũng có nhiều trăn trở và mặc cảm về công việc. Bạn bè cùng trang lứa có người làm trong các cơ quan nhà nước, người kinh doanh, chẳng có ai chọn cái nghề vất vả, suốt ngày tiếp xúc với chất bẩn như anh. Tuy nhiên, được sự động viên của gia đình, sự cảm thông, chia sẻ của anh em đồng nghiệp nên anh đã dần vượt qua tự ti để gắn bó với nghề trong suốt thời gian qua. 


Công việc của những người thợ cống quanh năm gắn liền với bùn, đất

Anh Khang nhớ lại có những đêm giông bão, mưa lớn, sấm sét ầm trời, cả thành phố vắng tanh không một bóng người, chỉ có những thợ cống vẫn có mặt ở khắp các tuyến đường làm nhiệm vụ chống ngập úng. Khi ấy, anh em trong tổ không quản khó khăn, vất vả, nhiệt tình hỗ trợ nhau để sớm hoàn thành nhiệm vụ. Rồi những ngày hè nóng nực, phải ngâm mình dưới hố nước đen kịt, bốc mùi, mồ hôi ướt đẫm áo, anh em cũng thay phiên nhau leo xuống từng hố ga, vét từng xô bùn, thông từng đường ống… Tình cảm đó đã tạo nên sự gắn kết và tình yêu nghề mà chỉ có những người thợ cống mới hiểu hết ý nghĩa của nó.

Mới vào nghề được 5 năm, anh Đàm Xuân Thái (48 tuổi) ở phường Tứ Minh cũng mong muốn được gắn bó lâu dài với công việc này. Trước đây, anh Thái là lao động tự do với đủ thứ nghề. Từ khi được nhận vào tổ cống ngầm, công việc và cuộc sống của anh ổn định hơn. Anh Thái cho biết: “Hai vợ chồng tôi cùng làm công nhân tại xí nghiệp. Anh em ở đây sống rất tình cảm và thường xuyên giúp đỡ nhau trong công việc cũng như  cuộc sống".

Hiện Xí nghiệp Thoát nước có 62 công nhân, lao động. Hằng năm, xí nghiệp phải đảm nhận khối lượng công việc khá lớn, nạo vét hơn 5.000m3 bùn đất trong các hố ga, lòng cống, kênh dẫn… với tổng chiều dài gần 60 km. Cứ 2-3 tháng nạo vét ở 1 hố ga nhưng khi có mưa lớn thì cường độ làm việc phải tăng thêm. Bình thường các anh chỉ làm việc trong giờ hành chính nhưng trong mùa mưa, để bảo đảm thoát nước nhanh, xí nghiệp bố trí các nhóm trực luân phiên. Dù cực nhọc, vất vả nhưng họ luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong phút nghỉ giải lao, những thợ cống trán đẫm mồ hôi, mặt lấm lem bùn đất lại chia sẻ từng câu chuyện buồn vui. Rồi họ lặng lẽ tiếp tục công việc của mình. Xung quanh nhịp sống của thành phố vẫn sôi động và tấp nập. Tạm biệt những người thợ cống, chúng tôi chỉ mong người dân sẽ có ý thức tốt hơn, không xả rác bừa bãi để đường phố sạch đẹp hơn và công việc của người thợ cống cũng bớt nhọc nhằn.

ĐỨC TÂM