Khai hội Văn miếu Mao Điền
Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 14:54, 01/04/2018
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại lễ hội
Sáng 1.4, tại khu di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền, UBND huyện Cẩm Giàng phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức khai mạc Lễ hội Văn miếu Mao Điền và Ngày hội sách Xuân Mậu Tuất 2018.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày hội sách Xuân Mậu Tuất 2018
Tới dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Bùi Hữu Uyển, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Quang Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Cùng dự có TS Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Cẩm Giàng cùng đông đảo du khách thập phương và người dân địa phương.
Các hoạt động triển lãm hoa phong lan, giao lưu thư pháp, biểu diễn văn nghệ diễn ra sôi nổi
Lễ hội Văn miếu Mao Điền diễn ra trong 3 ngày từ 1 - 3.4. Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội cũng có nhiều hoạt động thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân như hội thi viết chữ đẹp, thi Rung chuông vàng, đấu cờ tướng, cờ người, biểu diễn thể dục dưỡng sinh, giao lưu các câu lạc bộ thư pháp miền Bắc, triển lãm hoa phong lan, giao lưu văn nghệ. Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức 2 gian trưng bày sách với tổng số gần 2.000 đầu sách thuộc các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khoa học kỹ thuật…, tập trung nội dung giới thiệu về đất và người Hải Dương, giá trị văn hóa của các điểm di tích, tham quan du lịch trong tỉnh.
Lễ tế chữ
Văn miếu Mao Điền - nơi kế thừa và tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa, được khởi dựng từ thế kỷ XV tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang. Đến thời Quang Trung cuối thế kỷ XVIII, Văn miếu được di chuyển về xã Mao Điền sáp nhập với trường thi tạo thành trung tâm văn hóa, giáo dục thuộc vào hàng đầu cả nước.
Gian trưng bày sách thu hút người tham quan
Văn miếu thờ Khổng Tử - ông tổ của đạo Nho và phối thờ thêm 8 vị đại khoa tiêu biểu cho các triều đại, các lĩnh vực, là người con quê hương và các danh nhân có liên quan sâu sắc với mảnh đất Hải Dương như nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh, Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh (thời Trần), Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, thần toán Việt Nam, tiến sĩ Vũ Hữu (thời Lê), Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (thời Mạc).
Nhiều học sinh đến tham quan và tìm hiểu lịch sử Văn miếu Mao Điền
Năm nay, lễ hội càng có ý nghĩa hơn sau khi Văn miếu Mao Điền được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Dự kiến lượng du khách đến với lễ hội năm nay sẽ tăng từ 2-3 lần so với các năm trước, ước đạt hơn 10.000 người.
ĐỨC TÂM