Hôn nhân của người đồng tính

Đời sống - Ngày đăng : 08:55, 02/04/2018

Vài năm trở lại đây, xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn với những người đồng tính, không còn nhiều sự kỳ thị như trước đây nên những người đồng tính cũng bớt mặc cảm.


Người đồng tính mong mỏi hôn nhân đồng giới sẽ được pháp luật công nhận

Tình cảm mong manh 

Khi bước vào độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người cũng là lúc anh Đ.C.H. ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) nhận thấy mình không giống như những bạn bè khác. Thay vì có cảm tình, rung động với nữ giới, anh lại rung cảm với người cùng giới. Ở thời điểm gần 30 năm trước, "đồng tính" vẫn còn là khái niệm khá xa lạ. Lúc đó, anh H. cũng không biết đến cụm từ này mà chỉ nghĩ có lẽ mình là người lập dị. Năm 1994, anh H. kết hôn với một người phụ nữ bình thường dù không có tình yêu. Những tưởng sự cố gắng của anh sẽ đổi lại một cuộc hôn nhân hạnh phúc vẹn tròn. Nhưng anh không thể mãi sống trong vỏ bọc, không thể mãi lừa dối gia đình, vợ con. Cuối cùng, anh đâm đơn ra tòa ly dị, hai cô con gái của anh sống với mẹ. Anh chia sẻ: “Sai lầm của tôi chính là tưởng sự gắng gượng của mình sẽ phần nào mang lại hạnh phúc nhưng nó chỉ khiến tôi thêm mệt mỏi, làm dày thêm cảm giác có lỗi với vợ con. Ly hôn chính là sự giải thoát cho cả hai. Tôi được sống thật với con người mình, còn vợ tôi có thể đi tìm hạnh phúc mới”. Cách đây vài năm, anh H. tổ chức đám cưới với người cùng giới tại một khách sạn ở TP Đà Nẵng và sống chung như một gia đình nhỏ đến nay. 

Không phải ai cũng dám đương đầu, đối diện với sự thật như anh H. Có người đồng tính có bạn tình cùng giới nhưng vẫn song song giữ mối quan hệ yêu đương với người khác giới để "che mắt" mọi người xung quanh. Nhiều người đi vào vết xe đổ của anh H. khi lựa chọn cuộc hôn nhân chỉ với mục đích làm tấm bình phong nhằm giấu đi sự thật về giới tính của mình.

Tuổi đời còn trẻ, anh N.V.L. (22 tuổi) ở thị xã Chí Linh cho biết đã công khai giới tính từ khi là học sinh lớp 11. May mắn hơn anh H., thời điểm anh L. công khai giới tính thật, xã hội đã bắt đầu nhìn nhận đúng về người đồng tính, giảm bớt sự kỳ thị. Bày tỏ quan điểm về tình yêu và hôn nhân, anh L. cho rằng những người đồng tính sinh ra đã thiệt thòi, không muốn người khác khổ theo mình nên anh sẽ sống thật với bản thân, không chọn phương án kết hôn với một ai đó để che giấu sự thật. Song việc tìm được tình yêu đích thực từ những người cùng giới cũng không hề đơn giản khi bản thân anh từng chứng kiến nhiều câu chuyện tình yêu tan vỡ. Vì vẫn có những rào cản, định kiến nhất định từ xã hội nên phần lớn các cặp đồng tính đều e ngại, không dám công khai mối quan hệ. Nhiều cặp đôi chung sống với nhau song chỉ có những người đồng cảnh mới biết. Sự thủy chung đôi khi cũng giống như sợi dây rất mong manh, có thể đứt bất cứ lúc nào. Hôm nay còn sánh vai bên nhau, ngày mai đã "say nắng" một người khác, dứt tình chạy theo người mới là chuyện không phải hiếm gặp. Bản thân anh L. cũng lo sợ một ngày nào đó mối tình hiện tại của anh sẽ tan vỡ khi một trong hai không còn giữ được sự thủy chung.

Ước muốn

Mong muốn của anh H. là đến một ngày nào đó cuộc hôn nhân của anh chính thức được pháp luật thừa nhận. Khi đó, mối quan hệ giữa cặp đôi đồng tính sẽ được ràng buộc và họ sẽ phải sống có ý thức, trách nhiệm hơn. Còn đối với anh L. việc được pháp luật công nhận kết hôn đồng giới cũng sẽ giúp anh xóa bỏ tự ti, mặc cảm và đó cũng chính là động lực, là sợi dây để cho những cặp đôi yêu nhau nghĩ xa hơn về tương lai phía trước. Họ sẽ thủy chung hơn, yêu thương người mình chọn hơn.

Xã hội hiện nay đang nhìn nhận vấn đề này một cách đa chiều. Nhiều người nhìn nhận vấn đề này liên quan đến quyền con người, giảm kỳ thị của xã hội. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng hôn nhân đồng giới là không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng gia đình về duy trì nòi giống. Điều quan trọng là việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới liệu sẽ dẫn đến bao nhiêu hệ lụy tiêu cực xã hội mà pháp luật chưa lường hết...

Hiện nay, hôn nhân đồng giới là vấn đề nhạy cảm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, ngay cả với những nước phát triển. Trước đây, theo khoản 5, điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì việc kết hôn giữa những người cùng giới tính bị cấm. Từ ngày 1.1.2015, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi năm 2014 có hiệu lực, Quốc hội đã bỏ điều cấm này và thay bằng điều 8, khoản 2 là: "Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”. Dù không còn cấm nhưng pháp luật không cho phép người đồng giới đăng ký kết hôn tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay được coi như vợ-chồng với các quyền và nghĩa vụ tương ứng. Nghĩa là dù có tổ chức hôn lễ thì dưới góc độ pháp luật họ không được coi như vợ chồng.

Nhưng thiết nghĩ, dù là những người trái "dấu" hay đồng "dấu" khi sống với nhau đều phải nghiêm túc, chân thành và thủy chung. Không thể lấy sự khác người trong giới tính của mình làm cái cớ để sống vô trách nhiệm với bạn tình. Cũng đừng vì để che giấu sự thật về giới tính của mình mà làm khổ một người khác, bắt họ phải sống trong cuộc hôn nhân giả tạo, không tình cảm, sinh ra những đứa con để rồi lại bắt chúng phải sống trong những gia đình khuyết thiếu.

HUYỀN TRANG