Rác: Chuyện lớn
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:52, 02/04/2018
Nhưng đến nay, ngoài "cái rơm" thì chưa đáng kể sau mỗi vụ thu hoạch, còn ở khắp mọi nơi, "cái rác" đang trở thành một vấn nạn trong cộng đồng dân cư. Ở đâu cũng có rác. Có đường thôn hay khu phố, chiều hôm trước còn sạch sẽ, sáng hôm sau đã thấy lù lù các túi rác. Đủ thứ, rác sinh hoạt, rác xây dựng, đồ dùng cũ bỏ đi, thậm chí cả xác gia súc... cứ thản nhiên "sạch nhà, bẩn ngõ"!
Theo Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương, ở TP Hải Dương thường xuyên có rác bừa bãi ở ngõ 97 tuyến đường, tuyến phố. Ở huyện Thanh Hà, dọc tuyến đê qua một loạt xã như Tiền Tiến, Phượng Hoàng, Thanh Thủy, Trường Thành... rác phủ cả trên mặt đê và hành lang bảo vệ đê. Ở huyện Cẩm Giàng, người đi đường rất khó chịu khi đập mắt vào các ụ rác ven cầu vượt thị trấn Lai Cách, ngã ba Quý Dương, đường rẽ vào thôn Mậu Tài... Ở xã Hiệp Cát (Nam Sách), cả một khu đất bãi ven sông để trồng rau màu, rộng 5.000 m2, thế mà trở thành bãi rác! Ở Chí Linh có người chở xe rác đi đổ trộm, đi từ phường Chí Minh vào đến thôn An Lĩnh (xã Lê Lợi) thì bị bắt quả tang. Ở huyện Kim Thành, nhà máy giấy thuê một xe tải chở 20 tấn rác thải sang khu vực ngoài đê thôn Phương Quất (xã Lạc Long, Kinh Môn) đổ trộm giữa đêm khuya... Đấy là các vụ việc đã bị phát hiện. Còn các thứ rác "nhỏ nhặt" thì người ta vứt vô tư ngay giữa chỗ đông người: thuốc lá, vỏ kẹo, túi đựng sữa... Nhiều đống rác là nơi sinh sôi ruồi muỗi, chỗ trú của chuột, ô nhiễm nặng, ngày mưa nước chảy ra lênh láng, gây khó chịu cho người qua lại và cư dân sống gần đó.
Ở nước ngoài, chính quyền cơ sở phạt mạnh tay với người đổ rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị. Rõ nhất như báo chí đã đưa tin ở Australia, cơ quan bảo vệ môi trường cho lắp thiết bị định vị để theo dõi các phương tiện xả rác bất hợp pháp và vật liệu nguy hiểm. Họ phạt 11.500 USD với tập thể và 5.800 USD với cá nhân phạm luật. Tòa án các bang tại Australia áp dụng mức phạt có thể cao nhất lên tới 777.000 USD và tuyên án tới 7 năm tù giam đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Chính vì "đòn đau nhớ đời" nên ở nước họ, đường phố và các khu dân cư đều sạch sẽ, đẹp đẽ, hấp dẫn khách du lịch. Tất nhiên, bên cạnh luật pháp, họ rất coi trọng tuyên truyền và người dân cũng ý thức tự giác rất cao trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh.
Ở Việt Nam, dường như cũng đã chú ý đến việc xử lý rác thải. Thông tư 02/2017/TT-BTC ngày 6.1.2017 của Bộ Tài chính đã có quy định cấp chi phí sự nghiệp bảo vệ môi trường. Ở TP Hải Dương, Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương có kế hoạch từ ngày 10-20 hằng tháng tập trung dọn vệ sinh ở các điểm trên địa bàn 21 phường, xã. Huyện Cẩm Giàng chỉ có một thôn trong tổng số 132 thôn là chưa có tổ thu gom rác thải. Cả huyện có 83 điểm chôn rác...
Nhưng rõ ràng các văn bản và tổ chức như trên là rất bị động, mang tính "chữa cháy", không thể ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn rác thải. Không có luật như ở nước bạn nói trên. Không có tổ chức cụ thể nào chịu trách nhiệm quản lý và xử lý các sai phạm. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động bảo vệ môi trường không thường xuyên, chưa "thấm" rộng. Người dân không biết tự phân biệt từng loại rác thải và tự giác để vào nơi đã quy định. Gia đình và từng cơ quan, đơn vị là cái gốc phát sinh rác thải mà không thấm nhuần tư tưởng "sạch rác là bảo vệ chính mình", thì tệ nạn rác cứ triền miên, diễn ra liên tục. Đây là vấn đề mà các cấp chính quyền và các ngành có liên quan cần vào cuộc, không bao giờ là chậm cả.
HỮU NGUYỄN