"Kho sử sống" về mảnh đất Thành Đông
Xã hội - Ngày đăng : 12:54, 04/04/2018
Ông Lưu Đức Ý đã tham gia biên soạn nhiều cuốn sách về lịch sử TP Hải Dương
Nặng lòng với Thành Đông, ông được ví như một "kho lịch sử sống" về mảnh đất này.
"Người lái đò" cần mẫn
Ông Lưu Đức Ý sinh năm 1932 ở phố Bắc Kinh (TP Hải Dương) trong một gia đình có truyền thống dạy học. Sau khi học xong phổ thông, ông thi đỗ vào Trường Đại học Nhân dân khóa 1, theo học chuyên ngành chữ quốc ngữ, khoa sư phạm. Sau đó, ông tham gia đội thanh niên xung phong 56 của Trung ương đi xây dựng kinh tế mới và hàn gắn vết thương chiến tranh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cuối năm1956, ông tình nguyện lên vùng núi khó khăn của huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn) để dạy học.
Sau 6 năm gắn bó với học trò vùng cao, ông Ý về Hải Dương, giảng dạy tại Trường cấp 2 xã Nam Tân (Nam Sách). Năm 1964, ông chuyển về dạy môn toán tại Trường THCS Ngô Gia Tự (TP Hải Dương). Với chuyên môn vững vàng, ông được giao làm Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ khoa học tự nhiên của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương. Hơn 30 năm gắn bó với ngành giáo dục, trải qua nhiều cương vị khác nhau, ông Ý luôn là người thầy mẫu mực, tâm huyết, hết mình vì sự nghiệp "trồng người". Thầy Ý từng trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng cho nhiều thế hệ học sinh tham gia dự thi học sinh giỏi các cấp, giành giải cao trong các kỳ thi giỏi toán cấp tỉnh và toàn miền Bắc. Đến nay, nhiều thế hệ học sinh của ông đã thành đạt. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1988, ông Ý về hưu.
Không an nhàn, thảnh thơi hưởng thụ, ngay khi nghỉ hưu, ông Ý bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và con người Thành Đông. Công việc mới không hề đơn giản, bởi quá nửa đời người ông Ý gắn bó với những con số khô khan.
Kho tư liệu "sống"
Ông tìm đọc những cuốn sách cổ, tài liệu quý viết về lịch sử Việt Nam và Hải Dương. Bất cứ tài liệu nào nói về Hải Dương, ông đều ghi chép cẩn thận rồi tập hợp lại. Nhiều lần như vậy, ông bén duyên với nghiệp viết lúc nào không hay. Bằng kiến thức đã tích lũy được và qua quá trình nghiên cứu, đến nay ông đã có hàng trăm tài liệu quý về TP Hải Dương từ khởi lập đến nay. Những tài liệu này đều được ông chuyển tải thành những tác phẩm đăng tải trên các báo từ Trung ương đến địa phương. Các tác phẩm này chủ yếu viết về lịch sử hình thành, nét đẹp văn hóa, các danh nhân của Thành Đông...
Nhiều tác phẩm đăng báo có giá trị lịch sử quan trọng về TP Hải Dương như "Từ thành Vạn đến thành Đông", "TP Hải Dương ngược dòng lịch sử", "TP Hải Dương một đô thị cổ", "Tên các phố cổ ở TP Hải Dương" được một số nghiên cứu sinh lấy làm nguồn tư liệu để viết luận án tiến sĩ. Ngoài nghiên cứu, ông còn tìm dịch được nhiều tài liệu quan trọng của người Pháp viết về Hải Dương và người Hải Dương trên đất Pháp. Với vốn kiến thức sâu rộng về TP Hải Dương, ông đã tham gia viết, biên soạn nhiều cuốn sách lịch sử về TPHải Dương, tiêu biểu như cuốn "Lịch sử thị xã Hải Dương" xuất bản năm 1994, "Lịch sử Đảng bộ TP Hải Dương" xuất bản năm 1997, "Địa chí TP Hải Dương" xuất bản năm 2013...
Với 30 năm tìm đọc, sưu tầm và nghiên cứu, ông được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương tôn vinh là "kho tư liệu sống" về lịch sử, văn hóa và con người thành phố. Giữa con phố cổ sầm uất, căn nhà của ông yên ắng lạ thường. Trong căn phòng rộng rãi, ông dành riêng một không gian để lưu giữ những tài liệu quý đã sưu tầm suốt 30 năm qua về thành phố. Chia sẻ về hành trình "tìm về nguồn" của mình, ông Ý cho biết: "Nghiên cứu và viết về TPHải Dương là niềm đam mê của tôi từ khi còn công tác trong ngành giáo dục. Nhưng phải đợi đến khi về hưu, tôi mới có thời gian để thực hiện niềm đam mê ấy. Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, cống hiến cho đến khi không còn khả năng. Dù không phải là tất cả nhưng nguồn tư liệu này là tài sản vô giá tôi để lại cho thế hệ sau".
"Ông Ý là con người tâm huyết với TP Hải Dương. Dù không phải là nhà nghiên cứu lịch sử chuyên nghiệp nhưng ông rất ham đọc sách, tìm hiểu, sưu tầm những tài liệu cổ viết về thành phố. Không chỉ đọc, nghiên cứu mà ông còn hiểu sâu và đối chiếu, tìm hiểu với thực tế. Một số nghiên cứu của ông Ý về văn chỉ, phố cổ... của TP Hải Dương có giá trị lịch sử sâu sắc. Hiếm người ở Hải Dương có được tinh thần nghiên cứu, cống hiến như ông. Tấm lòng của ông Lưu Đức Ý rất đáng trân trọng", ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Sử học Hải Dương nhận xét.
PHAN ANH