Trong giải phóng mặt bằng dự án phía bắc đường 52m: Vướng mắc kéo dài, vì sao?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 05/04/2018

Những đòi hỏi thiếu căn cứ của một gia đình khiến công tác giải phóng mặt bằng dự án phía bắc đường 52m gặp nhiều khó khăn.

Diện tích ao đấu thầu của ông Sâu nằm trong quy hoạch xây dựng khu thương mại- du lịch-văn hóa và đô thị phía Tây TP Hải Dương

Ngày 6.2.2009, UBND tỉnh có Quyết định số 512/QĐ-UBND thu hồi gần 108.000 m2 đất trên địa bàn phường Thanh Bình (nay là phường Tân Bình, TP Hải Dương) để giao cho Công ty CP Tập đoàn Nam Cường thực hiện dự án xây dựng khu thương mại - du lịch - văn hóa và đô thị phía tây TP Hải Dương. Đến nay đã 9 năm nhưng việc giải phóng mặt bằng phần diện tích phía bắc đường 52m vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chưa thống nhất được phương án

Tổng diện tích bị thu hồi thực hiện dự án trên liên quan đến gần 100 hộ dân ở hai khu 3 và 4 (phường Tân Bình). Đến thời điểm này, phần lớn người dân bị thu hồi đất đã chấp thuận phương án đền bù và giao đất cho chủ đầu tư nhưng một số hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có hộ ông Nguyễn Phú Sâu (sinh năm 1938) ở khu 3. 

Tổng diện tích đất thu hồi của ông Sâu gồm 4.045 m2 đất ao ông Sâu đấu thầu của UBND phường Thanh Bình (nay là phường Tân Bình) để nuôi cá và 1.701 m2 đất cấy lúa; trong đó, 1.152 m2 đất được giao theo Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 28.4.1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (đất 03), 549 m2 đất công ích. Đây cũng là hộ dân bị thu hồi nhiều đất nhất để thực hiện dự án. 

Ông Sâu được đền bù 1.152m2 đất 03 với số tiền gần 775 triệu đồng. Với 4.045 m2 đất ao đấu thầu, ông Sâu được đền bù lều trông coi, cây ăn quả, tường kè ao, di chuyển mộ... hơn 241 triệu đồng. Tổng cộng số tiền ông Sâu được nhận hơn 1,016 tỷ đồng.

Làm việc với chúng tôi, ông Sâu không đồng ý với cách tính của UBND TP Hải Dương. Đối với đất 03, ông Sâu cho biết gia đình ông đổi ruộng từ nhiều nơi về khu vực gần nhà để tiện canh tác. Khu đất này trước kia trũng ven ngòi thoát nước, gia đình vượt đất từ lòng ngòi để cải tạo mở rộng diện tích cấy lúa. Do đó, 549m2 đất mà UBND TP Hải Dương cho là đất công ích thực tế do ông vượt lập. Ông Sâu đề nghị UBND TP Hải Dương cho gia đình ông thực hiện theo cơ chế thỏa thuận đền bù với doanh nghiệp.

Đối với 4.045 m2 đất ao đấu thầu, ông Sâu cho biết được HTX Tân Bình (xã Thanh Bình) giao thầu cho ông nuôi cá từ đầu năm 1979 đến năm 2004. Từ năm 2005 đến nay, khu đất nằm trong quy hoạch dự án trên nên gia đình không phải đóng tiền thuê đất nhưng vẫn sử dụng. Ông Sâu cho rằng diện tích ao nuôi cá của gia đình không có tranh chấp và được giao trước ngày 15.10.1993 nên cần áp dụng điều 100, Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) là cấp "sổ đỏ" cho gia đình. Nếu Nhà nước thu hồi thì phải trả ông công trông coi 200 triệu đồng/năm. "Tôi đồng ý trả lại toàn bộ diện tích đất 03, đất ao đấu thầu với điều kiện Nhà nước và doanh nghiệp phải hỗ trợ 5 con tôi, mỗi người 1 suất đất ở liền kề tại khu đô thị này cộng với 3 tỷ đồng để tôi dưỡng già", ông Sâu nói.

Không có căn cứ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP Hải Dương đã áp dụng các quy định mức giá đền bù cho ông Nguyễn Phú Sâu những diện tích mà hai bên đã thống nhất được nguồn gốc phù hợp với luật pháp hiện hành. 

Đòi hỏi của ông Sâu đối với 1.152 m2 đất 03 thực hiện cơ chế thỏa thuận với doanh nghiệp là không có căn cứ, bởi theo điều 62, Luật Đất đai 2013 (sửa đổi), dự án xây dựng khu thương mại - du lịch - văn hóa và đô thị phía tây TP Hải Dương thuộc trường hợp thu hồi đất do Nhà nước thực hiện. Do đó, đơn giá đền bù theo quy định của Nhà nước.

Với 4.045 m2 đất ao đấu thầu, ông Nguyễn Phú Huy, Đội trưởng Đội sản xuất của HTX Tân Bình từ năm 1967-1986 cho biết đầu năm 1979, xã Thanh Bình giao cho ông Sâu trồng và chăm sóc vườn cây bạch đàn với tiền công 2 tạ thóc/năm. Tận dụng ngòi thoát nước, ông Sâu đắp bờ thả cá để tăng thêm thu nhập chứ không có việc xã Thanh Bình giao thầu cho ông Sâu nuôi cá từ đầu năm 1979. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, HTX Tân Bình thuê ông Sâu trông coi vườn cây bạch đàn từ đầu năm 1979 đến khi "khoán 10" ra đời tháng 4.1988. Từ năm1989, UBND xã Thanh Bình (sau đó là phường Thanh Bình, nay là phường Tân Bình) giao thầu cho ông Sâu nuôi cá, thời hạn theo khóa HĐND xã, từ 4-5 năm. 

Hợp đồng giao thầu gần đây nhất được UBND phường Thanh Bình ký với ông Sâu ngày 18.5.2001 có thời hạn đến ngày 31.12.2004. Mỗi năm, ông Sâu phải trả cho phường 336 kg thóc. Sau đó, UBND phường Tân Bình đã thanh lý hợp đồng với ông Sâu. Như vậy, hợp đồng giao thầu giữa UBND phường với ông Sâu đã hết hạn cuối năm 2004. Do đó, không có cơ sở nói rằng UBND xã Thanh Bình trước kia giao khu ao nuôi cá dài hạn cho ông Sâu.

Đề nghị của ông Sâu cấp "sổ đỏ" đối với diện tích ao đấu thầu là không có căn cứ bởi diện tích này thuộc đất công điền của phường giao thầu cho ông Sâu nuôi cá có thời hạn, không thuộc loại đất được áp dụng điều 100, Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi). Tuy nhiên, thời gian đầu khi còn trông coi vườn cây cho xã Thanh Bình, ông Sâu phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của để cải tạo ngòi thoát nước thành ao nuôi cá nên UBND TP Hải Dương và Công ty CP Tập đoàn Nam Cường cần có phương án hỗ trợ thêm cho ông Sâu.

UBND TP Hải Dương cũng cần xác định lại 549 m2 đất công ích. Nếu diện tích này đúng do ông Sâu cải tạo từ việc vượt đất lòng ngòi thì cần có phương án hỗ trợ thỏa đáng. Ông Sâu cũng cần nhận thức rằng, sau khi nhà đầu tư hoàn thành dự án, diện tích đất còn lại của gia đình khá lớn, giá trị kinh tế sẽ tăng lên nhiều lần. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân ở hai khu dân cư 3 và 4 sẽ chấm dứt cảnh cứ mưa là úng ngập gần 10 năm nay.

SỸ THẮNG