Kinh Môn tạm bỏ thu phí thắng cảnh: Thiệt trước mắt, lợi lâu dài

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 10:42, 07/04/2018

Huyện Kinh Môn tạm bỏ quy định thu phí thắng cảnh và ngay lập tức mang lại những hiệu ứng tích cực.

Với 172 di tích, danh thắng, Kinh Môn xác định, du lcijh sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai

Khách đến đông hơn

Sau sự kiện quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, năm2017 huyện Kinh Môn đã quyết định tạm bỏ quy định thu phí thắng cảnh. Ông Lê Văn Bí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kinh Môn cho biết việc huyện tạm bỏ thu phí thắng cảnh là một trong những biện pháp nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với địa phương. “Sau khi đi học tập kinh nghiệm ở đền Cửa Ông (Quảng Ninh), huyện thấy rằng việc bỏ thu phí thắng cảnh làm cho du khách thoải mái, vui vẻ và đến đây nhiều hơn. Chúng tôi chưa xác định đến thời điểm nào mới thu phí trở lại”, ông Bí cho biết.

Từ sau khi huyện Kinh Môn tạm bỏ thu phí thắng cảnh, lượng khách đến tham quan, chiêm bái tại các di tích ngày càng đông hơn. Theo Ban Quản lý di tích Kinh Môn, gần đây vào những ngày cuối tuần luôn có khoảng 5.000 - 7.000 du khách tới các di tích, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng một số du khách ức chế, phản ứng gay gắt khi bị yêu cầu mua vé đã không còn. Thay vào đó là tâm lý vui vẻ của hầu hết mọi người khi tới Kinh Môn. Anh Nguyễn Minh Hải (Quảng Ninh) về dâng lễ tại đền Cao An Phụ cho biết: “Thực tế chúng tôi hành hương về đây đã bỏ tiền ra công đức để tu bổ, tôn tạo di tích rồi thì cần gì phải thu vé nữa. Tôi nghĩ việc chính quyền địa phương bỏ thu phí thắng cảnh là một quyết định hợp lòng dân”.
Tạm bỏ thu phí thắng cảnh, huyện Kinh Môn chấp nhận thiệt khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của Ban Quản lý di tích huyện. Để khắc phục, năm 2017, huyện Kinh Môn đã trích ngân sách hỗ trợ phần thu phí thắng cảnh 1 tỷ đồng cho Ban Quản lý di tích. Năm nay, huyện tổ chức cho doanh nghiệp đấu thầu mặt bằng trông giữ xe và vận chuyển du khách bằng ô tô từ bãi xe số1 lên đền Cao An Phụ… để lấy kinh phí bảo đảm hoạt động cho Ban Quản lý di tích.

Bên cạnh đó, huyện Kinh Môn còn tổ chức nhiều hoạt động bên lề giúp du khách hài lòng hơn khi đến đây như cấp nước uống miễn phí, tổ chức văn nghệ, các trò chơi dân gian vào những ngày cuối tuần, nghiêm cấm việc chèo kéo khách…

Quyết định bỏ thu phí thắng cảnh khiến du khách hài lòng và đến với Kinh Môn ngày càng đông hơn

Khai thác lợi thế

Kinh Môn có 172 di tích với nhiều danh thắng nổi tiếng. Huyện xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Việc tạm bỏ thu phí thắng cảnh là bước đi quan trọng đầu tiên để thực hiện chủ trương này. Kinh Môn hiện chưa phải là điểm đến hấp dẫn với du khách do chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế du lịch.

Theo ông Lê Văn Bí, du khách đến Kinh Môn chưa nhiều do kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quảng bá, liên kết phát triển du lịch còn hạn chế. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn dù địa phương có rất nhiều tiềm năng. Hành, tỏi Kinh Môn nổi tiếng, có giá trị chữa bệnh. Sắn dây Kinh Môn là một vị thuốc giá trị, có tác dụng giải độc, mát gan. Chỉ tiếc rằng cho tới nay huyện vẫn chưa làm ra các sản phẩm đặc thù chế biến từ các nông sản này để có thể tạo ấn tượng và lôi cuốn được du khách. Kinh Môn cũng có nhiều đặc sản như thịt dê, ba ba, cà ra, rươi… nhưng cũng chưa có nhiều nhà hàng nổi tiếng, níu kéo được du khách. Ông Bí thừa nhận: “Kinh Môn là trung tâm công nghiệp nặng của tỉnh. Môi trường bị tác động rất nhiều và đây là một trong những nguyên nhân khiến du khách ngại tới địa phương chúng tôi”.

Chủ trương phát triển ngành “công nghiệp không khói” của huyện Kinh Môn trong tương lai sẽ cần tới nhiều giải pháp. Trước mắt, huyện kiên quyết không tiếp nhận những dự án công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào địa bàn. Rà soát lại các doanh nghiệp đang hoạt động, yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nếu không đáp ứng được thì cho “rút giấy phép”. Huyện đang tiến hành các bước để quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng, kêu gọi các nguồn lực đầu tư. Tổ chức đào tạo đội ngũ làm du lịch của địa phương. Thay đổi tư duy, phương pháp quảng bá về du lịch. Từng bước quy hoạch, liên kết với các công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch trên địa bàn huyện. Nghiên cứu, tìm giải pháp khai thác lợi thế sẵn có của địa phương để làm đa dạng, phong phú các sản phẩm, dịch vụ về du lịch, từ đó thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với Kinh Môn.

TIẾN MẠNH