Thú chơi hoa hồng cổ

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 09:44, 08/04/2018

Với các ưu điểm dễ chăm sóc, hoa nở sai, bền, mùi thơm nồng nàn, hoa hồng cổ ngày càng được nhiều người ưa chuộng, trở thành thú chơi tao nhã của những người có điều kiện.


Chăm sóc hoa hồng cổ tại nhà vườn Bách thảo viên (TP Hải Dương)

Kỳ công săn hoa

Đưa chúng tôi đi thăm khu vườn nhỏ của gia đình, chị Lê Mai Liên ở khu đô thị An Phú (TP Hải Dương) chia sẻ từ ngày còn đi học chị đã đam mê đặc biệt với các loại hoa hồng cổ. Sau này, khi có điều kiện kinh tế, chị tạo một vườn nhỏ trước nhà và trên các tầng đều có khoảng trống để trồng hoa. Sau 4 năm lựa chọn, đến nay, chị Liên đã có 19 cây hồng cổ các loại như Sa Pa, Huế, hồng đào, hồng điều, bạch... với đủ các màu hoa. "Ngoài đặt mua ở một số nhà vườn, tôi còn  lặn lội đến các vùng xa để mua hoa về trồng. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, được ngắm những bông hoa đủ màu sắc, hương thơm nồng nàn, tôi thấy tâm hồn thư thái, tạo động lực cho những ngày làm việc tiếp theo. Nhiều khách sau khi đến nhà tôi thấy vườn hồng đẹp cũng tìm hiểu và mua về trồng", chị Liên nói.

Hoa hồng vốn là loại cây dân dã, được người dân trồng để làm đẹp cho vườn nhà. Theo thời gian, do có nhiều loại hoa mới nên các giống hồng cổ bị mai một dần. Thú chơi hoa hồng cổ nở rộ ở Hải Dương khoảng 2 năm gần đây. Nhận thấy giá trị của chúng nên nhiều người, nhất là những người có điều kiện kinh tế, vườn rộng hoặc những người chuyên chơi cây cảnh tìm kiếm các giống hoa hồng cổ về trồng.

Nắm rõ như lòng bàn tay về nguồn gốc, đặc trưng của từng loại hoa, anh Nguyễn Trí Phương, chủ nhà vườn Bách thảo viên (TP Hải Dương) cho hay: Mỗi loại hồng cổ có một nguồn gốc khác nhau. Hoa hồng cổ Sa Pa, hồng leo Hải Phòng có nguồn gốc từ Pháp, được người Pháp đưa sang Việt Nam trồng. Do thích nghi với điều kiện khí hậu nên cây sinh trưởng, phát triển rất tốt. Hồng bạch cổ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một số loại hồng có từ thời xa xưa, được trồng trong các cung vua chúa hoặc trong nhà người dân.

Một cây hoa hồng đẹp là cây có tuổi đời lâu năm, thường xuyên nở hoa và hoa to, đẹp, bền. Để lựa chọn được cây có các tiêu chí đó, anh Phương đã lặn lội đi đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi hoặc tìm mua trong nhà người dân. Vất vả, mất thời gian là vậy nhưng do nhu cầu của khách khá cao nên anh Phương không đáp ứng đủ: "Trung bình mỗi ngày vườn của gia đình tôi bán được từ 3-5 cây. Đợt Tết Mậu Tuất vừa qua, có nhà vườn trong tỉnh đặt mua liền lúc 20cây hồng cổ Sa Pa. Hiện nay, xu hướng chơi hồng cổ ngày càng nhiều, có thể trong một vài năm tới những gốc hồng từ 5-7 tuổi sẽ rất hiếm", anh Phương nói.

Do nhu cầu chơi hồng cổ tăng trong khi lượng cây ngày càng ít nên đã đẩy giá lên cao. Trung bình một cây 4-5 tuổi có giá 5 triệu đồng, cây 20 tuổi giá khoảng 40 triệu đồng. Để thỏa mãn thú chơi của khách hàng, hiện nay nhà vườn Bách thảo viên đang nhân giống bằng cách chiết, ghép cành.

Chăm sóc tỉ mỉ

Dù những giống hồng cổ thường dễ sống song để cây ra được nhiều hoa, hoa to thì việc chăm sóc cần sự tỉ mỉ, kỳ công của người trồng. Các loại hoa khác nở theo mùa còn hoa hồng nở quanh năm. Sau nhiều năm chơi hồng cổ, chị Thanh Thư ở khu đô thị An Phú (TP Hải Dương) đã có bí quyết chăm sóc để hồng sai hoa, màu đẹp. Theo chị Thư, đất để trồng cây phải tơi xốp, nơi trồng phải đủ nắng, càng nhiều nắng càng tốt, khi đó hoa sẽ sai, màu hoa đậm và ít sâu bệnh. Đối với các loại hồng khác cứ 30 ngày có một đợt hoa, còn hoa hồng cổ Sa Pa thì phải 40 ngày mới có một đợt. Muốn cây ra sai hoa thì cần chăm cắt tỉa cành thừa, cành có hoa cũ để cây dồn chất dinh dưỡng đâm nhánh, nảy lộc mới. Trước mỗi lần cắt tỉa phải bổ sung dinh dưỡng cho cây có đủ sức nuôi mầm mới thì hoa mới to đẹp. Còn nước thì ngày nào cũng phải tưới. "Cây như con người, cũng có từng giai đoạn phát triển, phải nắm chắc kỹ thuật, quy luật thì hồng mới ra sai hoa, màu bền, đẹp", chị Thư nói.

Mùa xuân hay có mưa phùn nên cây hồng dễ bị nhiễm bệnh phấn trắng và nhện đỏ. "Mỗi đợt hoa bị bệnh, cứ 3 tuần phải phun thuốc trị một lần, phun 3 lần liên tục thì mới trị dứt bệnh. Sau đó, cứ mỗi tháng lại phun thuốc để phòng bệnh. Khi cây bị bệnh thì phải tách cây ra khu vực khác, không để cây gần nhau sẽ dễ lây bệnh", anh Phương nói.

Giống như các thú chơi khác, thú chơi hoa hồng cổ cần sự tìm tòi, đầu tư không nhỏ của người yêu thích hoa. Với niềm đam mê của người chơi, nhiều loại hoa hồng cổ sẽ được bảo tồn, lưu giữ như những món quà tặng vô giá của thiên nhiên.

THANH HÀ