Những nông dân đi đầu trong khảo nghiệm
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:12, 10/04/2018
Nông dân xã Thượng Đạt thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng/năm từ giống cà chua ghép trên gốc cà tím
Dễ áp dụng
Ông Nguyễn Xuân Chuyển (61 tuổi) ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) cho biết: “Năm 2016, tôi được lựa chọn tham gia đề tài Phối trộn 4 công thức về thức ăn cho lợn. Việc áp dụng các công thức phối trộn thức ăn dành cho lợn rất dễ dàng, chỉ cần hướng dẫn qua 1 lần là tôi làm được. Điều quan trọng nhất là phải tuân theo những tiêu chí khi chọn lựa nguyên liệu và công thức phối trộn phù hợp với trọng lượng của lợn nuôi. Hiện tại, 1 tuần tôi chỉ cần bỏ ra 2-3 tiếng để phối trộn 3-5 tạ thức ăn, công việc rất dễ dàng và thuận lợi”.
Thức ăn chăn nuôi do ông Chuyển tự phối trộn được sản xuất từ các phụ phẩm gồm: bột ngô, cám gạo, mạch, bột cá, khô đậu, men tiêu hóa... Các phụ phẩm này được cho vào máy và trộn theo đúng tỷ lệ mà đề tài chuyển giao, giúp lợn tiêu hóa và hấp thụ tốt hơn. Ông Chuyển chỉ phải bỏ ra chưa đến 10 triệu đồng để mua máy móc và các thiết bị phụ trợ phối trộn thức ăn. Nhờ tận dụng được những nguyên liệu sẵn có tại địa phương đã giảm giá thành từ 1.000 - 2.000 đồng/kg cám so với cám công nghiệp mua ngoài thị trường.
Để bảo đảm lợn phát triển tốt, chủ nhiệm đề tài thường xuyên xuống tận cơ sở để giám sát việc thực hiện đề tài của các hộ dân. “Trước đây, chúng tôi thường tự chữa bệnh cho lợn theo kinh nghiệm. Từ khi tham gia đề tài, được các chuyên gia chỉ dẫn tận tình nên tôi đã nhận biết được một số loại bệnh của lợn, cách chữa trị và phòng tránh hiệu quả. Tỷ lệ lợn bị mắc bệnh rất thấp”, ông Chuyển cho biết. Thấy rõ lợi ích của các đề tài nghiên cứu khoa học nên ông Chuyển rất tích cực tham gia khảo nghiệm. Đến nay, ông đã được lựa chọn tham gia 5 đề tài khoa học như nuôi lợn thương phẩm từ lợn đực giống Piétrain RéHal với lợn nái F1, nuôi vịt lai ngan thương phẩm...
Năm 2013, ông Đỗ Văn Viết (50 tuổi) ở thôn Đồng Giàng, xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) cũng tham gia đề tài “Nhân rộng mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà tím trên địa bàn Hải Dương” do kỹ sư Nguyễn Văn Phong, Trưởng Phòng Kinh tế TPHải Dương làm chủ đề tài. Ông Viết cho biết: “Khi mới tham gia đề tài tôi rất lo lắng do trước không được đi học đến nơi đến chốn nên sợ không làm được. Nhưng được sự chỉ dẫn tận tình của các kỹ sư cùng với quy trình thực hiện rất dễ dàng nên tôi tiếp thu được ngay". Tham gia đề tài, ông cùng 4 hộ dân được cung cấp 70 khay gieo cùng với hơn 15.000 cây giống. Sau 3tháng vừa làm đất, gieo giống và cấy ghép, tỷ lệ sống của cà chua ghép thân trên gốc cà tím lên đến gần 70%. Trong khi trước đó đề tài nghiên cứu này được đánh giá không cao vì điều kiện đất đai, khí hậu ở đây xấu nên tỷ lệ sống của cây ghép chỉ ước đạt từ 10-20%.
Hiện tại, thôn Đồng Giàng có 10 hộ chuyên nhân giống cà chua ghép với diện tích trên 10 mẫu. Mỗi năm trung bình 1 hộ dân ở đây cung cấp ra thị trường từ 5-7 vạn cây cà chua giống. Nhiều hộ dân khác từ các nơi như Thái Bình, Bắc Giang… đã đến đây học hỏi kinh nghiệm ghép cây cà chua. Phần lớn họ đều đã ghép và trồng thành công giống cây cà chua này tại địa phương.
Hiệu quả kinh tế cao
Là những người đi đầu áp dụng những kỹ thuật mới, trồng những giống mới hay nuôi con mới, những người nông dân đôi khi cũng phải chịu rủi ro vì chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, về cơ bản họ được nhiều hơn là mất. Ông Đỗ Văn Vàng (52 tuổi) ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) là một trong những người đã từng học hỏi kinh nghiệm ghép cây cà chua từ ông Viết. Đến nay, ông Vàng đã tự trồng và nhân giống cây cà chua ghép này để bán ra thị trường, mỗi năm thu lãi từ 120 - 150 triệu đồng. “So với giống cà chua truyền thống, giống cà chua ghép cho hiệu quả cao hơn. Thông thường cà chua truyền thống sẽ cho thu hoạch kéo dài từ 4-6 tháng, nhưng với giống cà chua ghép thì phải 9 tháng mới thu hoạch hết quả. Đặc biệt, giống cà chua ghép chống chịu được nhiều loại sâu bệnh hơn, trong đó có bệnh héo xanh. Ngoài ra, giống cà chua ghép này sẽ cho chất lượng và màu sắc tốt hơn nên được nhiều người ưa chuộng”, ông Vàng nói.
Năm 2017, dù nhiều hộ dân trong nước điêu đứng vì giá lợn xuống liên tục nhưng gia đình ông Chuyển vẫn thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Với diện tích hơn 500m2 chuồng trại, không lúc nào gia đình ông nuôi dưới 300 con lợn thịt. Ông Chuyển cho biết: “Do tuân thủ đúng những tiêu chí do các đề tài đưa ra nên lợn nhà tôi luôn được bán với giá cao. Hiện tại, tôi đang bán giá 40.000 - 45.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg so với cách nuôi truyền thống. Việc sử dụng thức ăn phối trộn cũng giúp lợn khỏe mạnh, mau lớn và chất lượng thịt tốt hơn. Do đó, lợn thịt nhà tôi không chỉ bán ra thị trường trong nước mà còn cung cấp cho một số công ty chuyên chế biến thịt lợn xuất khẩu”.
Anh Phan Duy Thanh ở xã Nhân Huệ là người đầu tiên trồng măng tây xanh ở thị xã Chí Linh nhờ tham gia đề tài “Xây dựng mô hình trồng cây măng tây xanh trên vùng đất bãi thị xã Chí Linh” của tỉnh. “Trong 2 năm thực hiện đề tài, chúng tôi được hỗ trợ 50% giá giống để trồng 90.000 cây măng tây. Nhờ tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên 2,4 ha măng tây nhà tôi phát triển rất tốt. Hiện tại mỗi ngày gia đình tôi thu trên 50 kg măng tây, với giá bán từ 40.000-60.000 đồng/kg, thu lãi gần 100 triệu đồng/ha/năm”, anh Thanh cho biết.
ĐỖ QUYẾT