Phụ nữ Tân Trường làm giàu trên những thửa ruộng hoang

Kinh tế - Ngày đăng : 09:25, 11/04/2018

​Từ những ruộng bỏ hoang, nhiều gia đình hội viên phụ nữ xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đã cải tạo để canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi được khai hoang, khu đồng trồng hoa của chị Nguyễn Thị Tiệp (bên trái) ở thôn Tràng Kỹ, xã Tân Trường cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Dịp này, khu đồng trồng hoa cúc của chị Nguyễn Thị Tiệp ở thôn Tràng Kỹ đang cho thu hoạch. Thửa ruộng này rộng 1 mẫu trước đây của một hộ dân bỏ hoang, thấy chất đất màu mỡ nên đầu năm 2017, chị Tiệp thuê lại. Để nâng cao hiệu quả, chị thực hiện luân canh một vụ lúa, thời gian còn lại trong năm trồng hoa và một số loại cây rau màu bán cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Vụ hoa Tết vừa qua, nhờ được mùa, được giá, gia đình chị thu lãi gần 150 triệu đồng từ hơn 2 sào trồng hoa hồng và hoa cúc.

Nói về việc khai hoang làm giàu, chị Tiệp cho biết năm 2000 trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở khu Đồng Đìa, thôn Tràng Kỹ thấy có khu đất bỏ hoang nhiều năm, chị liền bỏ công san lấp để cấy lúa và trồng hoa. “Khi đó máy xúc không vào được nên mình phải tự tay san lấp rất vất vả, nhưng đến khi thu hoạch vụ đầu tiên thấy công sức bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng nên cũng mừng”, chị Tiệp chia sẻ.

Những năm sau đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, lao động trong xã không còn thiết tha với cây lúa. Thấy những “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang, nhà lại có máy cày, tiếc của, chị Tiệp bàn với gia đình xin ruộng hoang để cấy. Tính đến năm 2017, tổng diện tích ruộng hoang gia đình chị nhận canh tác lên đến gần 10 mẫu. Vụ chiêm 2018, do một số ruộng được bàn giao san lấp xây dựng khu thương mại nên tổng diện tích canh tác của chị giảm còn gần 5 mẫu, trong đó có hơn 1 mẫu chị luân canh trồng hoa và rau màu. Chị Tiệp cho biết hiện chị đang muốn quy hoạch xây dựng nhà lưới trên diện tích 1 mẫu để trồng rau an toàn và trồng thêm vụ hoa hè nhưng còn khó khăn về vốn nên chưa thể thực hiện.

Gia đình chị Bùi Thị Hằng, ở thôn Chi Khê cũng là “địa chủ” ruộng hoang ở xã Tân Trường. Năm 2010, gia đình chị chỉ có 3 sào ruộng khoán nhưng đến vụ chiêm năm nay vợ chồng chị đã khai hoang, phủ kín gần 50 mẫu ruộng hoang ở khắp các khu đồng trong xã.

Từ năm 2010, thấy cánh đồng thôn Chi Khê có nhiều ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, vợ chồng chị Hằng xin nhận để cấy. "Đây đều là những chân ruộng trũng, ruộng xấu,  đất cũng thoái hóa nên mất rất nhiều công sức và tiền của để khai hoang, cải tạo", chị Hằng nói. Cứ thế, hằng năm vợ chồng chị lại đi tìm khắp các khu đồng trong xã, thấy có ruộng hoang là xin để cấy. Vợ chồng chị đã mua 2 chiếc máy cày, 1 máy gặt và 1 máy cấy loại nhỏ. Do không có địa điểm làm mạ khay nên năm 2017 chị bán chiếc máy cấy và mua chiếc máy "2 trong1" vừa gieo vãi vừa rắc đạm trị giá 7 triệu đồng để chuyển sang gieo thẳng, vừa tăng năng suất lại đỡ chi phí mua mạ khay. Đầu năm nay, chị tiếp tục mua một chiếc máy phun thuốc sâu loại lớn trị giá 70 triệu đồng. Nhờ áp dụng máy móc trong các khâu canh tác nên đã giảm được chi phí thuê nhân công. Sau mỗi vụ thu hoạch, trừ chi phí chị Hằng thu lãi khoảng 5 triệu đồng/mẫu.

Không chỉ chị em hội viên nhận ruộng hoang để cấy mà một số chi hội phụ nữ ở các thôn có ruộng bỏ hoang như Quý Dương, Tràng Kỹ cũng đứng ra đảm nhận gần chục mẫu ruộng bỏ hoang để cấy lúa. Số tiền thu được sau mỗi vụ chi hội sử dụng làm quỹ thăm hỏi hội viên ốm đau, tặng quà trẻ em và phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn…

Chị Ninh Thị Linh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Trường cho biết trong những năm qua hội thường xuyên lồng ghép tuyên truyền, vận động các chi hội và hội viên ở các thôn không để ruộng bỏ hoang. Ngay khi bắt đầu có tình trạng dân bỏ ruộng không cấy thì nhiều chi hội đã đảm nhận cấy phủ kín một số diện tích để gây quỹ. Đặc biệt, nhiều gia đình chị em hội viên đã đầu tư máy móc khai hoang, cấy lúa vừa làm giàu cho gia đình lại phủ kín được ruộng hoang.

Việc nhận ruộng hoang để canh tác không những phủ xanh đồng ruộng mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác các hộ còn gặp không ít khó khăn do những diện tích bỏ hoang hầu hết đều nằm ở những khu vực xa, đồng trũng hoặc đi lại khó khăn; canh tác còn theo lối truyền thống, chưa áp dụng đồng bộ các phương tiện kỹ thuật cũng như thiếu liên kết trong quá trình sản xuất… dẫn đến hiệu quả chưa cao. Các hội viên phụ nữ nói riêng và bà con nông dân nói chung rất cần được hỗ trợ về vốn, khoa học, kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, định hướng cây trồng phù hợp để nâng cao hiệu quả canh tác.

TUẤN SỸ