Khơi nguồn sáng tạo của nông dân

Chính trị - Ngày đăng : 11:46, 12/04/2018

Nhiều ý tưởng, cách làm sáng tạo của nông dân đã bị thui chột vì không được hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

Tôi rất chú ý đến thông điệp về tính sáng tạo của nông dân được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trong cuộc đối thoại với nông dân tổ chức ngày 9.4 tại TP Hải Dương với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”. Thực tiễn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam và xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy một động lực rất quan trọng cần khơi lên là tính sáng tạo to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam. Cuộc đối thoại vừa diễn ra là một hoạt động thiết thực nhằm khơi lên tính sáng tạo đó.

Phát biểu kết luận cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nông dân cả nước đã có những bước vươn mình trưởng thành, nắm bắt cái mới, mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách làm, ngày càng có nhiều điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh giỏi. Đúng như Thủ tướng đã khẳng định, nhờ có tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cần cù lao động mà trong hơn 30 năm đổi mới, giai cấp nông dân đã tạo nên nhiều thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Từ một nước thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới, số lượng nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tỷ phú nông dân ngày càng tăng. Nhiều ý tưởng, cách làm sáng tạo của nông dân được hiện thực hóa, phát huy hiệu quả, điển hình là những sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp. 

Bên cạnh những thành tựu thì thực trạng nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn không ít khó khăn, yếu kém. Nhiều ý tưởng, cách làm sáng tạo của nông dân đã bị thui chột vì không được hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Thậm chí ở nhiều nơi, sự sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh còn bị cản trở. Những yếu tố kìm hãm sức sáng tạo, sức sản xuất, kinh doanh đã được nhiều nông dân nêu rõ tại hội nghị. Đó là những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo hiểm nông nghiệp, chế biến nông sản, thủ tục hành chính… 

Căn nguyên của các khó khăn do đâu? Tất nhiên cũng có một số nguyên nhân khách quan nhưng nhân tố chủ quan lại xuất phát từ những người thực thi các cơ chế, chính sách của Nhà nước. Tôi đã tiếp xúc với nhiều nông dân. Họ nhận xét rằng Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới nông nghiệp, nông dân, thể hiện bằng những cơ chế, chính sách cụ thể nhưng không ít cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện chính sách lại nhũng nhiễu, vòi vĩnh để đòi hỏi tiền “bồi dưỡng”, “phong bì”. 

Lâu nay người dân thường nhắc đến thực trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” trong thực hiện nhiều chính sách. Để việc khơi nguồn sáng tạo của nông dân không mắc phải thực trạng trên thì những buổi đối thoại bổ ích giữa người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền các cấp cần được tổ chức nhiều hơn nữa. Qua mỗi buổi đối thoại, chủ tọa cần chốt được những nội dung đã thống nhất để làm căn cứ triển khai thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. Các khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị xác đáng của nông dân nêu ra tại các buổi đối thoại phải được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết. Những tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi chính sách với nông dân cần được phát hiện, xử lý kịp thời. Hội Nông dân các cấp cần thể hiện rõ vai trò của mình trong nắm bắt tình hình giải quyết các kiến nghị, khó khăn của nông dân được đề cập trong các buổi đối thoại. Kịp thời đề nghị các cơ quan, địa phương liên quan vào cuộc xử lý những vấn đề chậm giải quyết, gặp vướng mắc, tránh tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”.

NINH TUÂN