Những trường hợp người lao động được khởi kiện tại tòa án
Pháp luật - Ngày đăng : 07:17, 14/04/2018
Công nhân lao động Công ty TNHH Nam Sinh ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) đình công đòi quyền lợi
Ngày 15.4 tới đây, Nghị định 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động sẽ có hiệu lực. Theo đó, người lao động có quyền khiếu nại, khởi kiện ra tòa khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp.
Nhiều vi phạm
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp vẫn vi phạm các quy định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, điển hình là về giờ công, ngày công lao động. Nhiều doanh nghiệp tăng cường độ làm việc vào những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết, song người lao động không được trả tiền làm thêm giờ tương xứng; việc chăm sóc sức khỏe công nhân không được quan tâm đúng mức. Những vi phạm đó khiến người lao động bức xúc dẫn đến các cuộc ngừng việc tập thể.
Nhiều doanh nghiệp còn né tránh việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân; không thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ... Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, đến hết tháng 12.2017, toàn tỉnh có 115 doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 67 doanh nghiệp nợ 6 tháng trở lên với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Khắc Nhật làm công nhân tại Công ty TNHH Rosviet (TPHải Dương). Khi anh và một số đồng nghiệp nghỉ việc mới vỡ lẽ trong nhiều tháng liền công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân nên anh và các đồng nghiệp không thể lấy được sổ bảo hiểm để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng không phải hiếm.
Có quyền khởi kiện ra tòa
Khi bị vi phạm về quyền lợi, hầu hết công nhân thường ấm ức chịu đựng. Một số ít mâu thuẫn về lợi ích được giải quyết thông qua đàm phán tại các cuộc đình công, dừng việc tập thể. Chỉ khi những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng mới có sự xuất hiện của các cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, đơn vị đã tiến hành 48 cuộc thanh tra, kiểm tra, đưa ra 333 kiến nghị, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; xử phạt các doanh nghiệp và cá nhân vi phạm pháp luật lao động hơn 550 triệu đồng. Trên địa bàn tỉnh chưa có vụ việc nào thuộc lĩnh vực này được công nhân, người lao động khởi kiện ra tòa.
Để hoàn thiện khung pháp lý thuộc lĩnh vực này, ngày 27.2, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2018/NĐ-CP. Nghị định gồm 4 chương, 47điều sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15.4. Theo đó, khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến tạo việc làm cho người lao động; tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm có quyền khiếu nại bằng cách gửi đơn hoặc trực tiếp với cá nhân ra quyết định.
Người bị xâm phạm có quyền khởi kiện ra tòa khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân... là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu, lần hai không được giải quyết; không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai...
Nghị định 24/2018/NĐ-CP có hiệu lực sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để việc bảo vệ quyền lợi của người lao động chặt chẽ, cụ thể hơn. Không những người lao động tự bảo vệ mình mà các tổ chức công đoàn, cơ quan chức năng có căn cứ làm tốt hơn việc bảo vệ quyền lợi người lao động.
NGỌC HÙNG