Tìm hướng đi cho công nghiệp chế biến nông sản
Kinh tế - Ngày đăng : 09:32, 19/04/2018
Tỷ lệ nông sản đã qua chế biến của tỉnh chỉ đạt dưới 10%. Ảnh: Dũng Cường
Thực trạng chế biến nông sản ở Hải Dương còn nhỏ lẻ, manh mún và phân tán. Hầu hết nông sản của tỉnh chỉ đang được chế biến nhỏ, sơ chế, tỷ lệ nông sản qua chế biến rất thấp (mới đạt dưới 10%).
Nguyên nhân của thực trạng này là do khối lượng nông sản của Hải Dương phần lớn đáp ứng nhu cầu trong tỉnh với số dân 1,8 triệu người. Phần dư thừa cung cấp cho các thị trường tiêu thụ rộng lớn lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Giá thành sản phẩm nông sản còn cao nên rất khó cạnh tranh trên thị trường thế giới; tập quán sản xuất cũ, lạc hậu, sản xuất phân tán, manh mún, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên khó tham gia thị trường xuất khẩu. Tập quán tiêu dùng của người dân vẫn là sử dụng nông sản tươi sống là chính. Tỷ lệ người sử dụng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm chế biến còn rất thấp. Sản xuất, chế biến nông sản vốn là lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào khách quan không cho lợi nhuận cao nên khó thu hút các nhà đầu tư.
Điển hình như lúa gạo hằng năm có sản lượng rất lớn (khoảng 700.000 tấn), nhưng sử dụng trong nội tỉnh từ 400.000 - 450.000 tấn/năm. Lượng dư thừa khoảng 250.000 - 300.000 tấn chủ yếu được xay xát thành gạo và bán ngoài tỉnh, không thể có gạo xuất khẩu khối lượng lớn, trừ xuất khẩu gạo đặc sản (gạo nếp) qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Cây rau xanh với diện tích khoảng 30.000 ha thì vụ đông chiếm tới 22.000 ha. Cây rau vụ đông có tính thời vụ trong khoảng 3-4 tháng, khối lượng không đủ đáp ứng cho một nhà máy chế biến hoặc để xuất khẩu.
Để hình thành cơ sở chế biến nông sản, tỉnh cần đầu tư một cơ sở chế biến nông sản, có vùng nguyên liệu đủ lớn và công nghệ chế biến phù hợp. Cùng với xây dựng nhà máy, cần phải xây dựng vùng nguyên liệu, được đặt trong quy hoạch chung của vùng. Công nghệ chế biến phải tiên tiến để có thể chế biến nhiều loại nông sản. Điều này sẽ hạn chế được tính mùa vụ của nông sản.
Cần nắm bắt được tâm lý tiêu dùng và nhu cầu thị trường. Việc bảo quản, sơ chế, chế biến phải tính đến cho mỗi loại sản phẩm và mỗi vùng thị trường ở nông thôn hay thành thị. Đối với các sản phẩm tham gia xuất khẩu còn phải nắm chắc nhu cầu, thị hiếu của quốc gia nhập hàng.
Tiếp đến, cần quan tâm tư duy sản xuất mới của nông dân, chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thành sản xuất tập trung để có khối lượng hàng hóa lớn. Những vùng này được áp dụng tiến bộ kỹ thuật và quy trình sản xuất sản phẩm an toàn thông qua hình thức liên kết sản xuất, tổ hợp tác hay HTX. Nông dân cũng phải tôn trọng hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Sản xuất, chế biến nông sản vốn là những ngành gặp nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp chế biến nông sản rất cần sự trợ giúp của Nhà nước về khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, vốn, đất đai, chính sách thuế...
Quy hoạch công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh trước hết dựa vào nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh (đã được quy hoạch), gồm: Nhóm sản phẩm lương thực (lúa gạo); nhóm thực phẩm (thịt lợn, thịt gà, cá rô phi); nhóm sản phẩm rau xanh (hành, tỏi, cà rốt, su hào, cải bắp); nhóm quả (vải thiều, ổi). Đồng thời dự báo các sản phẩm đó trong liên kết vùng (vùng đồng bằng và vùng trung du Bắc Bộ) để bảo đảm chắc chắn cho vùng nguyên liệu. Căn cứ các điều kiện cho công nghiệp chế biến nêu trên, để xây dựng quy hoạch làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn ngắn hạn (khoảng đến năm 2025): do quy mô vùng nguyên liệu còn nhỏ, tập quán tiêu dùng chưa thay đổi nhiều, nên sử dụng hình thức sơ chế, quy mô nhỏ và vừa như hiện nay, nhưng cần quy hoạch để bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu đối với các sản phẩm chủ lực, tạo tiền đề để hình thành các nhà máy chế biến với quy mô công nghiệp. Trong giai đoạn này, các nhà máy chế biến nông sản hiện có cần được Nhà nước hỗ trợ để đứng vững và từng bước mở rộng sản xuất.
Trong dài hạn (sau năm2025): khi vùng nguyên liệu đã được mở rộng cả trong tỉnh cũng như trong liên kết vùng bảo đảm đủ khối lượng nông sản cho nhà máy hoạt động; hội đủ các điều kiện mới phát triển các nhà máy chế biến nông sản ở quy mô lớn. Khi đó, các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ sẽ trở thành các vệ tinh của nhà máy chế biến công nghiệp.
Chế biến nông sản vốn là một lĩnh vực khó, cần sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều phía. Hy vọng trong tương lai, Hải Dương sẽ có những cơ sở chế biến nông sản hiện đại giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển.
LƯƠNG ANH TẾ