Nông dân khó tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 12:34, 20/04/2018
Nông dân trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin nông nghiệp công nghệ cao
Loay hoay
Ấp ủ dự định xây dựng nhà màng để trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao từ lâu nhưng đến đầu năm 2017, anh Nguyễn Văn Nam ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) mới dám thực hiện. Anh Nam nói: "Trước khi dốc hết vốn liếng để đầu tư, tôi đã đắn đo, trăn trở rất nhiều. Quyết định này giống như canh bạc bởi tôi chưa hề có kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dù đã đi tìm hiểu, học hỏi ở nhiều nơi. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm làm với hy vọng có thể nâng cao hiệu quả sản xuất".
Dù đã lường trước được những khó khăn nhưng anh Nam vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện. Hơn 4.000 m2 nhà màng được dựng lên song chiều cao không bảo đảm để cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt thường xuyên gặp sự cố, ảnh hưởng tới việc chăm sóc cây. "Vừa làm vừa sửa nên đến bây giờ tôi vẫn chưa thu được lãi mà vẫn phải bỏ tiền ra để khắc phục sai sót", anh Nam than thở.
Để xây dựng được mô hình trồng hoa trong nhà màng cho giá trị kinh tế cao như hiện nay, ông Nguyễn Văn Đàm ở xã Cao An (Cẩm Giàng) phải mất một thời gian dài loay hoay với kỹ thuật sản xuất mới. Ứng dụng công nghệ cao sẽ khắc phục được những bất lợi của thời tiết, tạo ra các giống hoa đẹp mắt, đồng đều giữa các bông nên dễ tiêu thụ và có giá bán cao. Tuy nhiên, ngoài việc bỏ ra nguồn vốn lớn xây dựng cơ sở hạ tầng, ông Đàm còn phải trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chứ không được làm theo thói quen, kinh nghiệm như trước. Ông Đàm khẳng định: "Đây chính là rào cản lớn nhất làm cho người dân khó tiếp cận được với nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Người dân không được đào tạo, tập huấn bài bản nên dễ gặp thất bại. Bản thân tôi dù đã chủ động tìm đến các chuyên gia trong lĩnh vực này nhờ tư vấn nhưng đôi lúc vẫn cần sự hỗ trợ trực tiếp vì thực tế sản xuất nhiều khi không như tính toán ban đầu".
Cần sự tiếp sức
NNCNC đang tạo ra những đột phá cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Làn sóng NNCNC đang lan tỏa ở khắp các địa phương với nhiều mô hình sản xuất hiện đại, được đầu tư bài bản. Nhưng có thể nhận thấy rằng hầu hết các mô hình điểm nhấn đều là của những "nông dân tay ngang". Mô hình NNCNC do nông dân thực hiện vẫn còn chắp vá, thiếu đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Khuông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết: "NNCNC đang bắt đầu phát triển tại địa phương nhưng đều do người trẻ có kiến thức, kỹ năng thực hiện chứ chưa có mô hình nào được gây dựng từ nông dân. Nhiều nông dân cũng mong muốn được tiếp cận phương thức sản xuất mới này. Song để thay đổi tập quán canh tác, tạo thuận lợi cho công nghệ cao được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất cần phải có sự định hướng từ các cấp, các ngành".
Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không phải đến bây giờ sản xuất nông nghiệp của tỉnh mới áp dụng công nghệ cao mà trước đó, khoa học - công nghệ cũng đã được người dân sử dụng ở một số khâu. Hiện nay, trước những đòi hỏi của sản xuất, NNCNC ngày càng phổ biến và là hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn thụ động trong việc tiếp cận khoa học - công nghệ. Để phát huy hiệu quả của NNCNC, ngoài việc tư vấn, định hướng nông dân lựa chọn những mô hình phù hợp thì cần phải xây dựng nền tảng kiến thức về khoa học - công nghệ cho họ. Có như vậy, NNCNC mới thoát khỏi nguy cơ "sớm nở, tối tàn".
PV