Giúp con đọc sách thế nào?
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:36, 21/04/2018
Phụ huynh cần đưa trẻ đến nhà sách, thư viện để giúp con chọn sách
Những sai lầm
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ phụ huynh, nhất là ở các vùng nông thôn, chưa coi trọng việc đọc sách của con, cho rằng chỉ cần con học ở trường là đủ. Bởi vậy, dễ nhận thấy nhiều trẻ em không có thói quen đọc sách mà chỉ nghiện các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, iPad, máy vi tính... Nhiều người vô tư cho con xem các loại thiết bị này với suy nghĩ “không cần đọc sách vì trên mạng cái gì cũng có”.
Ngay cả những phụ huynh hiểu được lợi ích của việc đọc sách cũng chưa hẳn đã biết cách chọn sách cho con. Con trai của anh L.T.S. ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) năm nay học lớp 3. Dịp cuối tuần, anh thường cho con đi mua sách về đọc. Nhưng thay vì đáp ứng sở thích sách thiếu nhi, truyện tranh của con trai, anh S. lại chủ yếu mua sách lịch sử, khoa học về cho con đọc với mong muốn sẽ bổ trợ cho việc học tập của con. Đây là một sai lầm lớn bởi theo các chuyên gia trẻ cần đọc, cảm nhận những gì mình thích trước khi chuyển sang đọc sách viết về các lĩnh vực khác thì mới phát triển được tư duy phong phú.
Nhiều ông bố, bà mẹ luôn coi trọng việc đọc sách nhằm nuôi dưỡng về mặt đạo đức cho con nhưng họ chưa biết khai thác sách hiệu quả. Có người đôi khi còn có quan điểm cực đoan khi hằng ngày ép con đọc sách quá lâu khiến trẻ căng thẳng, không còn là những phút giây giải trí. Nhiều trẻ lại quá tập trung đến việc đọc sách mà không quan tâm đến hoạt động thể chất, giao tiếp dẫn tới phát triển thiếu cân bằng.
Trên thị trường hiện có quá nhiều loại sách dành cho trẻ em cũng khiến phụ huynh lúng túng khi chọn lựa. Chị Nguyễn Thị Thắm ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Có quá nhiều nguồn sách. Đôi khi cùng một nội dung nhưng mỗi sách viết một kiểu, chả biết nên chọn loại nào. Tôi hay chọn sách của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt, hay mua sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam”.
Chọn sách phù hợp
Chịu khó đọc sách nhưng không liên hệ thực tiễn thì chỉ là “mọt sách”
Tháng 3 vừa qua, về tham dự chương trình “Để mỗi cuốn sách là một món quà” tại TP Hải Dương, nhà giáo Phan Hồ Điệp (giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), diễn giả Nguyễn Quốc Vương và thần đồng Đỗ Nhật Nam đã có những chia sẻ rất ý nghĩa về kinh nghiệm chọn và giúp trẻ đọc sách.
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương cho biết trẻ ở mỗi độ tuổi có nhu cầu đọc sách khác nhau, phụ huynh phải xác định được mục đích, sở thích của trẻ để chọn sách cho con một cách phù hợp. Ví dụ như trẻ học lớp 1 - 3 cần những loại sách thiếu nhi có nhiều hình ảnh minh họa để không gây nhàm chán. Phụ huynh cần đưa trẻ đến nhà sách, thư viện để giúp con chọn sách. Ban đầu hãy cho trẻ đọc những cuốn sách đơn giản. Với những trẻ lười hoặc mới bắt đầu đọc sách, phụ huynh hãy cho con chọn những cuốn sách mà chúng thích nhất, sau đó mới mở rộng dần, không nên ép trẻ phải đọc sách này, sách kia. Với những trẻ chưa biết chữ, phụ huynh nên dành thời gian đọc sách cho con nghe để sớm hình thành niềm ham thích đọc sách ở trẻ. Với những trẻ đã biết đọc, biết viết, sau mỗi câu chuyện trong sách, phụ huynh hãy cho con viết lại cảm xúc, nhật ký dưới dạng viết thư gửi cho nhân vật. Bằng cách này, giúp trẻ không chỉ hiểu nội dung cốt truyện mà còn có thể phát triển tư duy, vốn từ…
Nhà giáo Phan Hồ Điệp cho rằng chưa gặp một trẻ em nào không thích đọc sách, chỉ là do bố mẹ chưa quan tâm hoặc chưa định hướng đúng đắn cho con trong việc này. “Sau mỗi câu chuyện trong sách, phụ huynh hãy gợi ý cho trẻ để biết cách tóm tắt, rồi tạo kết nối với những gì con đã trải qua trong cuộc sống, phỏng vấn xem cảm xúc của con như thế nào, từ đó có cách định hướng, giáo dục phù hợp. Tức là phải quan tâm tới việc đọc - hiểu của trẻ. Đọc mà không có sự kết nối với thực tiễn thì chỉ là mọt sách”, nhà giáo Phan Hồ Điệp nói.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam hiện đang là du học sinh tại Mỹ. Dù công việc học tập rất bận rộn nhưng ngày nào em cũng dành thời gian để đọc 30 - 60 trang sách. Sở thích đọc sách của Nam không ngẫu nhiên có mà chính là do nhà giáo Phan Hồ Điệp (mẹ của Nam) gây dựng từ nhỏ. Đỗ Nhật Nam cho biết sau khi đọc 1 chương trong sách em sẽ tóm tắt nội dung bằng cách vẽ một bức tranh, sơ đồ để ghi lại những diễn biến chính. Đôi khi Nam còn đặt thử thách cho mình bằng cách tự viết thêm một chương mới liên quan tới cuốn sách để phát triển tư duy.
Giá trị của sách không chỉ dừng lại ở mặt kiến thức mà còn giúp giải trí, sống lành mạnh. Đọc sách đúng cách sẽ xây dựng cho trẻ một nền tảng sống tốt đẹp ngay từ nhỏ. Quan trọng là mỗi phụ huynh phải biết cách chọn sách và hướng dẫn đọc sách hiệu quả cho con.
TIẾN MẠNH