Giúp trẻ mở ra "những chân trời mới"

Góc nhìn - Ngày đăng : 12:33, 21/04/2018

Từ xa xưa, con người đã biết đến sự kỳ diệu của sách. Nhưng hiện nay có một thực tế là thế hệ trẻ đang xa rời việc đọc sách.



Gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay thắp lên ngọn lửa yêu thích, đam mê đọc sách cho thế hệ tương lai của đất nước, để các em có thể tiếp cận với “những chân trời” mà mỗi trang sách mở ra.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, sức hấp sẫn của những trò chơi online, game, Facebook, Zalo… đã choán hầu hết thời gian rảnh rỗi của nhiều bậc cha mẹ. Cứ rảnh tay một chút là người lớn ôm điện thoại, lướt facebook, đăng ảnh, chờ xem mọi người bấm “like” và “commemt”, thích thú với việc được khen, dù biết đó là “ảo”.

Trẻ con vì thế mà cũng bắt chước bố mẹ, mới 3 tuổi, 5 tuổi, chúng đã biết sử dụng điện thoại, mở Youtube dễ dàng. Không ít gia đình có điều kiện kinh tế và nuông chiều con thái quá nên đã trang bị cho các con điện thoại thông minh, máy tính bảng ngay từ khi con còn học tiểu học, THCS nhưng lại không định hướng, uốn nắn, dạy bảo đúng cách để con biết khai thác thông tin trên internet phục vụ cho việc học tập có hiệu quả.

Những ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh, máy tính bảng có thể làm thui chột khả năng tư duy, sáng tạo ở trẻ nhỏ, khiến trẻ ngồi lâu một chỗ, ít vận động, thị lực giảm sút. Đặc biệt, trẻ không màng tới những quyển sách và không có thói quen đọc sách.

Vì sao người ta hay so sánh hình ảnh “tủ sách của người Do Thái” và "tủ rượu của người Việt Nam”? Bởi thói quen đọc sách đã phản ánh trình độ nhận thức, trình độ văn minh của mỗi quốc gia. Trong các gia đình người Việt, hẳn nhiên tủ rượu không thể thiếu, nhưng tủ sách thì nhiều gia đình không có.

Đến trường thì chương trình giáo dục đã định sẵn kế hoạch, thời gian biểu dày đặc nên học sinh cũng không có thời gian thư giãn với sách ở thư viện. Mặc dù hiện nay hầu như các nhà trường đều có thư viện nhưng không phải trường nào cũng tạo điều kiện cho học sinh mượn sách về nhà hoặc làm thẻ thư viện cho các em khai thác kho tri thức khổng lồ này. Việc đọc sách ở trường chưa thực sự được chú trọng để khơi dậy khả năng tự học trong mỗi học sinh.

Hằng năm, Ngày sách Việt Nam 21.4 nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích niềm yêu thích đọc sách ở mọi người, nhất là thế hệ trẻ, khẳng định sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại. Tuy nhiên, việc đọc sách phải trở thành một thói quen, một nhu cầu không thể thiếu và cần diễn ra thường xuyên, liên tục thì mới có hiệu quả.

Dù internet có phủ sóng toàn cầu thì sách vẫn cần thiết đối với con người. Sách không chỉ là người thầy cung cấp cho ta tri thức, dạy chúng ta cách sống, cách làm người mà mỗi quyển sách tốt còn là “người bạn hiền” chia sẻ với ta mọi vui buồn trong cuộc sống, giúp tâm hồn ta phong phú hơn, nhân cách ta hoàn thiện hơn.

Sách đã giúp nhiều người thành công, trong đó phải kể đến Alesei Peshkov, từ một cậu bé mồ côi, thất học đã vươn lên trở thành M.Gorki - nhà văn bậc thầy của nước Nga, con người được cả nhân loại kính trọng. Chính ông đã nói đến tác động ghê gớm của sách đối với mình trong một lời phát biểu giản dị: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”.

Vì vậy, chúng ta hãy hình thành thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ trong gia đình, trong nhà trường để các em có niềm yêu thích đối với sách, biết chọn sách và có phương pháp đọc sách đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi. Làm được điều đó, chắc chắn chúng ta sẽ tiến gần tới những nền văn minh lớn của nhân loại.

NAM HỒNG