Nghiêm trị hành vi trục lợi trên nỗi đau đồng loại

Chính trị - Ngày đăng : 09:09, 24/04/2018

Như một nghịch lý, ngay trước và trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 thì mọi người phải tiếp nhận những thông tin nhói lòng về mất ATTP.

Từ vụ sản xuất thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm bằng than tre nứa ở TP Hải Phòng đến việc dùng lõi pin để trộn với bột phế phẩm cà phê tại Đắk Nông. Tại Hải Dương được biết trong 3 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh phát hiện 1 mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe RutinC của Công ty TNHH Dược phẩm Glory Việt Nam sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng. 

Ai cũng bủn rủn khi đọc những thông tin ấy. Kinh sợ khi nghĩ rằng những chuyện độc ác như vậy chắc chỉ diễn ra trong trí tưởng tượng, vậy mà vẫn xuất hiện trong cuộc sống. Vì lợi nhuận bất chính mà những kẻ mất nhân tính sẵn sàng đầu độc đồng bào. 

Những năm gần đây, những tội ác trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đã nhiều lần được vạch trần, song ai cũng biết rằng đó mới là phần nổi của “tảng băng chìm”. Thật đáng sợ!

Những vụ việc này là những hồi chuông cảnh tỉnh thống thiết, phản ánh sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của một bộ phận  người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Không thể biện hộ rằng những con người ấy không có hiểu biết thế nào là thực phẩm sạch, thế nào là thực phẩm bẩn. Họ biết rõ song vì những đồng tiền nhớp nhơ làm mờ mắt nên sẵn sàng chà đạp lên mạng sống của người khác. Đó còn là sự thờ ơ, vô cảm, thậm chí là tiếp tay cho cái ác của những người có liên quan, những con người biết sự việc mà không tố giác. 

Trong lĩnh vực ATTP, chỉ cần một hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh là có thể khiến nhiều người gánh chịu hậu quả nặng nề. Đạo đức kinh doanh đang bị bao trùm bởi màn đêm của lợi nhuận phi pháp. Những nỗ lực để xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh chân chính dường như chưa thấm vào nhận thức của nhiều người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ nhiều năm nay, những câu hỏi nhức nhối đặt ra song câu trả lời vẫn chưa rõ ràng: Những ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn nạn thực phẩm bẩn? Chịu trách nhiệm như thế nào? Bao giờ nỗi đau này mới được đẩy lùi? Bao giờ người tiêu dùng biết rõ sản phẩm mình ăn là sản phẩm sạch?...

Trước thảm cảnh này, không ít người thờ ơ vì họ cho rằng một vài cá nhân cũng không thể làm thay đổi được tình hình, thôi cứ “mũ ni che tai”, để Nhà nước xử lý. Đó là một quan điểm lệch lạc. Nếu chứng kiến cái ác mà không lên tiếng, thấy hành vi sai trái mà không đấu tranh thì cái ác sẽ vẫn còn tồn tại dai dẳng. Ngược lại, chỉ cần một công nhân tại cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn chủ động tố giác những sai phạm đó thì cái xấu sẽ được ngăn chặn, loại bỏ. 

Đạo đức, văn hóa kinh doanh phải là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Phải làm sao để những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhận rõ và thực hiện tốt điều này. Cần tạo ra được áp lực ngay trong cộng đồng những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, để họ sẵn sàng phản đối những hành vi xấu. Các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP cần nâng cao năng lực phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi sai trái. Những địa phương nào xảy ra nhiều vụ mất ATTP rất nghiêm trọng thì những cán bộ có liên quan cần bị xử lý trách nhiệm. 

NINH TUÂN