Dân Tân Lập khổ vì ô nhiễm môi trường

Bạn đọc - Ngày đăng : 11:37, 24/04/2018

Báo Hải Dương nhận được đơn của người dân KDC Tân Lập, xã Nam Đồng (TP Hải Dương) phản ánh tình trạng một số cơ sở tái chế nhựa phế liệu gây ô nhiễm môi trường.


Trong kho của cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm vẫn còn nhiều bao tải chứa phế liệu

Theo phản ánh của người dân, từ tháng 11.2017, Xí nghiệp Tư doanh vận tải Hồng Lạc (sau đây gọi là Xí nghiệp Hồng Lạc) có địa chỉ tại xã Nam Đồng cho 1 người Trung Quốc tên là Li Hai Xang thuê 1 nhà xưởng rộng khoảng 2.500 m2 để tái chế nhựa phế liệu. Bao bì nilon phế liệu được băm nhỏ, cho vào lò nấu. Nước thải trong quá trình sản xuất được xả thẳng ra môi trường qua cống tiêu thoát nước của xóm. Nước thải còn lẫn nhiều tạp chất, mảnh vụn nilon gây ô nhiễm nguồn nước. Ông Phạm Văn Sứng, đại diện các hộ dân xóm Tân Lập cho biết: “Khi doanh nghiệp nấu nhựa trong lò đốt, khói có mùi khét rất khó chịu. Do xưởng sản xuất nằm sát KDC, khói bay thẳng vào nhà dân, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, nhất là gần 20 cháu nhỏ trong khu”.

Trong buổi làm việc với đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), KDC Tân Lập, Công an xã Nam Đồng đầu tháng 1.2018, ông Li Hai Xang cung cấp thông tin: Cơ sở hoạt động tái chế nhựa PE quy mô 20 tấn/tháng sử dụng công nghệ Trung Quốc gồm 1 máy băm, 2 máy tạo hạt theo quy trình: giặt - băm - tạo hạt. Quá trình lắp đặt dây chuyền, chạy thử để hiệu chỉnh máy móc đã phát sinh khí thải, nước thải xả ra ngoài môi trường. Cơ sở cam kết với cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải bảo đảm đúng quy định trước khi sản xuất chính thức. Tại buổi làm việc này, tổ công tác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường yêu cầu cơ sở phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý về môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải bảo đảm đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường, có biện pháp quản lý chất thải theo đúng quy định trước khi hoạt động sản xuất chính thức. Tổ công tác yêu cầu Công an xã Nam Đồng trực tiếp theo dõi, giám sát hoạt động của cơ sở tái chế nhựa phế liệu. Nếu phát hiện cơ sở không chấp hành yêu cầu của tổ công tác, Công an xã Nam Đồng lập biên bản, báo cáo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 11.1.2018, cơ sở tái chế nhựa có biên bản đề nghị người dân xóm Tân Lập tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất nốt số nguyên liệu có trong kho. Đến ngày 20.2, cơ sở sẽ tự lo liệu, sắp xếp công việc để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu. Nhưng theo phản ánh của người dân, cơ sở này vẫn tập kết nguyên liệu tiếp tục sản xuất. Khói có mùi khó chịu, nước thải chưa qua xử lý vẫn được xả ra môi trường. Công an xã Nam Đồng 2 lần lập biên bản, yêu cầu cơ sở dừng sản xuất. Ngày 30.3, cơ sở này lại đề nghị người dân xóm Tân Lập tạo điều kiện cho sản xuất và dọn dẹp nốt số hàng trong kho, cam kết đến ngày 30.4 không nhập nguyên liệu mới. Hiện nay, ngoài cơ sở tái chế nhựa phế liệu gây ô nhiễm môi trường như phản ánh của người dân, trong khuôn viên của Xí nghiệp Hồng Lạc còn một cơ sở tái chế nhựa phế liệu khác cũng đang hoạt động. Theo quan sát của chúng tôi, trong khuôn viên của cơ sở này có nhiều bao lớn chứa nhựa phế liệu, nhiều thùng phuy không rõ chứa gì bên trong.

Hoạt động tái chế nhựa phế liệu khi chưa bảo đảm đầy đủ các thủ tục về môi trường, chưa được các cơ quan chức năng cho phép là hành vi vi phạm pháp luật. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động tái chế nhựa phế thải ở KDC Tân Lập phải có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Nếu không tuân thủ các quy định, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần kiên quyết yêu cầu cơ sở dừng hoạt động, di dời khỏi địa bàn.

VỊ THỦY