Ngăn ngừa thuốc giả

Xã hội - Ngày đăng : 11:20, 27/04/2018

Sau vụ việc Công ty TNHH Vinaca tại quận Kiến An (TP Hải Phòng) bị cơ quan chức năng phát hiện sản xuất sản phẩm “Vinaca ung thư Co 3.2” làm từ bột than tre, dư luận rất bất bình và lo lắng.



Vinaca cũng có chi nhánh tại tỉnh ta. Phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn ông Phạm Hữu Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế về công tác quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) ở Hải Dương. 

- Trước sự việc Công ty TNHH Vinaca bị phát hiện sản xuất sản phẩm chữa ung thư giả, Sở Y tế có biện pháp kiểm tra sản phẩm này ở Hải Dương thế nào, thưa ông?

 - Ngay sau khi có thông tin trên, Sở Y tế đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, TPCN, mỹ phẩm tại TP Hải Dương và các huyện Kinh Môn, Kim Thành, Bình Giang, Gia Lộc... Kết quả không phát hiện có các sản phẩm mang nhãn hiệu Vinaca và tên hàng “Vinaca ung thư Co 3.2” lưu hành trên thị trường. 

- Tại sao ngành y tế đã có hệ thống quản lý, kiểm nghiệm dược, thanh tra sở như những "barie" kiểm soát mà gần đây một số loại thuốc và TPCN kém chất lượng vẫn có mặt trên thị trường? Sở Y tế có biện pháp gì để nâng cao chất lượng quản lý lĩnh vực này?

- Sở Y tế đã tăng cường quản lý đăng ký, sản xuất, kinh doanh thuốc, TPCN; tăng cường hậu kiểm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tỉnh thường xuyên lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc, TPCN tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, các cơ sở khám, chữa bệnh... Ngay khi trung tâm báo cáo phát hiện những sản phẩm không đạt chất lượng hoặc Bộ Y tế có thông báo về các sản phẩm giả, kém chất lượng, chưa được phép lưu hành, Sở Y tế đều kịp thời chỉ đạo Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị y tế, cơ sở kinh doanh thuốc phổ biến, tuyên truyền cho người dân, cán bộ y tế và tổ chức thu hồi, xử lý theo quy định. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh thường xuyên thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền việc đình chỉ lưu hành, thu hồi các sản phẩm giả, kém chất lượng... 

Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao, thậm chí là siêu lợi nhuận nên vẫn có những cá nhân, cơ sở bất chấp luật pháp, lương tâm để sản xuất và tiêu thụ thuốc, TPCN giả hoặc kém chất lượng, chưa được phép lưu hành.

- Ông có khuyến cáo gì để người bệnh tránh mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng?

 - Để tránh mua, sử dụng thuốc, TPCN giả hoặc kém chất lượng, chưa được phép lưu hành, người dân nên đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế hợp pháp để được kê đơn và sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Chỉ mua thuốc, TPCN tại các cơ sở kinh doanh hợp pháp, tin cậy (quan sát trên biển hiệu của cơ sở kinh doanh). Khi mua thuốc, TPCN cần đọc kỹ các thông tin về sản phẩm trên tờ hướng dẫn sử dụng, bao bì, chú ý phát hiện và tránh các sản phẩm không có số đăng ký lưu hành/số công bố tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc kém chất lượng về mặt cảm quan. Người dân có thể truy cập Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế để tra cứu, cập nhật các thông tin về thuốc, TPCN giả, kém chất lượng, không được phép lưu hành. Tuyệt đối không nên tin theo những thông tin về thuốc, TPCN, mỹ phẩm được truyền miệng, quảng cáo, chào mời mua bán trên các trang mạng không chính thống hoặc mạng xã hội… 

- Xin cảm ơn ông!

HUYỀN TRANG(thực hiện)