'Quả ngọt' từ việc dạy nghề cho người mắc bệnh tâm thần
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 14:17, 29/04/2018
Các bệnh nhân tâm thần được hướng dẫn làm tăm hương. Ảnh: Hiền Anh/TTXVN
Ở Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và Xã hội tỉnh, mấy năm gần đây, việc dạy nghề cho người tâm thần đã từng bước ổn định và góp phần hiệu quả vào quá trình trị liệu cho người bệnh.
Được học nghề, được lao động mở ra cho người mắc bệnh tâm thần những hy vọng về cuộc sống mới có khả năng tự chủ, sẵn sàng tái hòa nhập cộng đồng.
Làm ra sản phẩm để… xuất khẩu
Nếu nhìn qua không khí nghiêm túc, trật tự cũng như cách làm việc tập trung của hàng chục lao động trong các xưởng chổi chít, tăm hương, lắp ráp quạt và đan chiếu ở Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Người có công và xã hội tỉnh, ít ai nghĩ rằng những lao động đó là người mắc bệnh tâm thần đang phải trị liệu.
Anh Từ Văn Tài quê ở huyện Kinh Môn đã vào trung tâm được 3 năm. Anh kể: “Hồi mới vào trung tâm, tôi cũng thấy buồn chán, mệt mỏi, nhớ nhà. Dần dần ở đây được bác sĩ chăm sóc, uống thuốc và được làm việc, tôi thấy khỏe lên”. Vừa dừng tay sau khi luồn những miếng ghép bằng trúc vào sợi dây, anh cho biết, để làm hoàn thiện chiếc chiếu trúc khổ 1,6mx2m, anh chỉ mất 4 ngày.
Việc dạy nghề cho người tâm thần được trung tâm thí điểm cách đây 4 năm với nghề làm chổi chít. Hiện nay, với sự hướng dẫn của các cán bộ phòng nghề cùng sự phối hợp của cán bộ các phòng khoa khác, bệnh nhân đã được học thêm một số nghề mới như nghề làm chiếu, lắp ráp quạt, làm tăm hương. Nhiều bệnh nhân tiếp thu nhanh, sớm thành thạo, lành nghề, có khả năng tự lập làm ra các sản phẩm.
Công tác dạy nghề cho bệnh nhân đến nay đã đi vào ổn định và phát triển, có doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu và lo đầu ra, thị trường, thậm chí xuất khẩu. Việc phát triển phòng nghề đã tạo điều kiện cho trên 60% bệnh nhân được tham gia học nghề, việc làm nghề tạo cơ hội để tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, 8 bệnh nhân đang học làm nghề đóng tăm hương, 26 bệnh nhân học làm nghề chiếu trúc, 30 lượt bệnh nhân học làm nghề chổi chít, hơn 200 bệnh nhân làm nghề tăm hương cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu… Năm 2017, Trung tâm đã gia công được trên 90 tấn tăm hương, hơn 9.000 cái chổi chít, tăng 18% so với năm 2016, phân loại được 21.000 tấn nhựa.
Các cán bộ ở trung tâm cho biết, công tác lao động trị liệu này hỗ trợ nhiều trong việc điều trị thuốc giúp bệnh nhân hồi phục, ổn định dần khả năng nói, nghe, nhìn, cầm, nắm, tư duy… Theo anh Vương Tiến Tạo, Trưởng Phòng dạy nghề, những người bệnh ban ngày tham gia học nghề, lao động, tối về họ ngủ ngon hơn trước. Tình trạng bệnh nhân la hét, quậy phá vào ban đêm cũng giảm rất nhiều. Thực tế, sau một thời gian điều trị, nhiều bệnh nhân thuyên giảm, gia đình có nguyện vọng đón về.
Các bệnh nhân lắp ráp quạt. Ảnh: Hiền Anh/TTXVN
Quá trình lao động của người bệnh cũng mang lại phần nào nguồn thực phẩm tươi ngon và sạch sẽ phục vụ hàng ngày cho đơn vị. Năm 2017, hình thức lao động liệu pháp cho người bệnh đã mang lại cho trung tâm nguồn thực phẩm ước tính được 27.000 kg rau xanh; 12.000 kg thịt lợn, 2.000 kg thịt vịt, 350 kg thịt ngan, 10.000 quả trứng gà, 104 kg thịt lợn rừng. Sản lượng rau tăng gấp 3 lần, sản lượng thịt tăng 2.000 kg so với năm 2016.
Cũng từ nguồn kinh phí lao động tăng gia sản xuất, hàng tuần, trung tâm đều bổ sung dinh dưỡng bữa ăn để hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị bệnh. Các dịp lễ, Tết, trung tâm tổ chức ăn liên hoan tạo không khí vui tươi.
Coi bệnh nhân như người thân
Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị cho 405 bệnh nhân tâm thần. Cùng với chuyên môn, hơn 200 cán bộ nhân viên trung tâm đang ngày đêm làm việc với tình yêu thương, sự tận tâm kiên nhẫn mỗi ngày dành cho người bệnh. “Mỗi cán bộ, bác sĩ công tác chúng tôi đều tâm niệm coi người bệnh như người thân”, chị Nguyễn Thị Minh Hương, Bác sĩ Chuyên khoa 1, Phó Giám đốc điều trị trung tâm cho biết.
Trong ca trực hàng ngày các cán bộ đi kiểm tra, theo dõi liên tục giấc ngủ của bệnh nhân nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp bệnh nhân mất ngủ, kích động... Mỗi buổi sáng, cán bộ chuyên môn cùng hộ lý các khoa hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Những đêm trực là những đêm không ngủ với các cán bộ, nhân viên trung tâm, liên tục đi kiểm tra kỹ từng phòng theo dõi người bệnh.
Chia sẻ về đặc thù công tác dạy nghề cho người tâm thần, anh Vương Tiến Tạo, Trưởng Phòng dạy nghề cho biết: “Bản thân chúng tôi vừa phải đích thân tìm hiểu, lựa chọn những nghề phù hợp nhất, tìm kiếm doanh nghiệp đồng ý hợp tác”. Chính các cán bộ Phòng dạy nghề cũng là người trực tiếp học nghề rồi về hướng dẫn cho các cán bộ, từ đó dạy lại cho bệnh nhân. “Việc dạy nghề cho một bệnh nhân phải kéo dài nhiều tháng trời là chuyện rất bình thường. Cầm tay chỉ việc từng tí một. Đôi lúc đang trong giờ học hoặc lao động, bệnh nhân đột nhiên biểu hiện lạ, bất ngờ đánh cán bộ. Khi đó phải can thiệp kịp thời đưa bệnh nhân về phòng điều trị để sử dụng thuốc. Nếu không kiên trì, không có tâm sẽ không thể làm được công việc này”, anh Tạo khẳng định.
Để việc lao động phát huy hiệu quả hỗ trợ công tác trị liệu, mỗi bệnh nhân khi mới vào trung tâm đều được kiểm tra để biết tình trạng bệnh. Trên cơ sở đó, bệnh nhân được phục hồi chức năng rồi tùy thuộc vào mức độ để lựa chọn hình thức lao động phù hợp nhất với từng người. Thời gian làm việc cũng được sắp xếp khoa học, chỉ tối đa 4 tiếng đồng hồ, chia hai buổi mỗi ngày, trừ Chủ nhật.
Quá trình lao động trị liệu tại trung tâm, với những kết quả bước đầu đã làm thay đổi cách đánh giá của xã hội về người tâm thần. Tuy nhiên, để duy trì cách làm này, để góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe tâm thần cho các bệnh nhân, theo tâm tư của các cán bộ, y bác sĩ nơi đây, cần nhiều hơn sự đầu tư của ngân sách, của cộng đồng. Từ việc chế độ cho người bệnh, nâng cấp cơ sở vật chất cho trung tâm, đồng thời, tăng phụ cấp đối với các bác sĩ, cán bộ để người lao động yên tâm gắn bó với nghề.
MẠNH MINH (TTXVN)